Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Tan-da-ni-a
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a (Tanzania) Gia-cay-a Mơ-ri-sô Ki-quết-tê (Jakaya Mrisho Kikwete) thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26 - 28/10/2014. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Tổng thống Gia-cay-a Mơ-ri-sô Ki-quết-tê. Lần thứ nhất vào năm 2001 trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế.
Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete |
Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a nằm ở phía Đông châu Phi, diện tích hơn 900.000 km 2, dân số khoảng 48 triệu người, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tan-da-ni-a đang triển khai chiến lược “Nông nghiệp là hàng đầu”, với mức đầu tư cho nông nghiệp chiếm 7% ngân sách, đồng thời tranh thủ sự quan tâm trợ giúp của bên ngoài cho lĩnh vực này. Sản xuất vàng cũng là thế mạnh của Tan-da-ni-a. Đây là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 châu Phi.
Tan-da-ni-a có vai trò quan trọng tại các diễn đàn khu vực và thế giới (Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc khoá 2005 – 2006, một trong 8 nước được chọn triển khai thí điểm dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc), đóng góp tích cực tại Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Cộng đồng kinh tế khu vực Đông Phi (EAC), chủ nhà Diễn đàn Kinh tế (WEF) châu Phi (5/2010).
Nền kinh tế Tan-da-ni-a chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 1/4 GDP, 85% giá trị xuất khẩu, sử dụng 80% lực lượng lao động. Triển khai chiến lược “Nông nghiệp là hàng đầu”, mức đầu tư của Tan-da-ni-a cho nông nghiệp chiếm 7% ngân sách, đồng thời tranh thủ sự quan tâm trợ giúp của bên ngoài cho lĩnh vực này.
Tan-da-ni-a hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 của Châu Phi. Bên cạnh đó, Tan-da-ni-a còn có ô-xít u-ra-ni-um với trữ lượng 53,9 triệu pound. Chính phủ Tan-da-ni-a đã cấp phép cho khoảng 20 công ty khai thác và phần lớn các dự án thực hiện trong năm 2010. Năm 2012, Tan-da-ni-a đã phát hiện mỏ khí đốt có trữ lượng lớn ở ngoài khơi Dan-di-ba.
Tan-da-ni-a được hưởng ưu đãi của hiệp định EBA (Everything But Arms) với EU và Đạo luật tăng trưởng kinh tế và cơ hội (AGOA) của Mỹ theo đó hơn 4.000 mặt hàng của Tan-da-ni-a xuất khẩu sang Mỹ được miễn thuế. Các nước đầu tư nhiều nhất vào Tan-da-ni-a là Anh, Mỹ, Nam Phi, Trung Quốc.
Thực hiện “Tầm nhìn 2025”, nhằm cải thiện mức sống của người dân, Tan-da-ni-a sẽ triển khai một số dự án lớn như xây dựng cầu nối từ Tan-da-ni-a đến Mô-dăm-bích, mở rộng quy mô cảng cửa ngõ Đa-ét Xa-lam, xây dựng mạng lưới điện nối từ Dăm-bi-a tới Kê-ni-a… và mong muốn trở thành trung tâm viễn thông ở khu vực Đông Phi.
Việt Nam và Tan-da-ni-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/2/1965. Lãnh đạo Tan-da-ni-a coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh chống xâm lược đối với các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là các nước châu Phi và ủng hộ tích cực Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tan-da-ni-a ủng hộ Việt Nam vào WTO, trở thành thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 – 2009), thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 – 2016), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tan-da-ni-a mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất máy nông nghiệp nhỏ để cung cấp cho Tan-da-ni-a và thị trường 5 nước Đông Phi, học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.
Kim ngạch thương mại song phương: trước 2009, khoảng 30 – 40 triệu USD/năm; từ năm 2010 đạt trên 100 triệu USD/năm. Năm 2013 kim ngạch song phương đạt 105 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 25 triệu USD chủ yếu là gạo (64% kim ngạch xuất khẩu), clanh-ke và nhập 80 triệu USD chủ yếu là bông (40% kim ngạch nhập khẩu), hạt điều, thức ăn gia súc. 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Tan-da-ni-a đạt 17,4 triệu USD (trong đó gạo chiếm 8,2 triệu USD, dệt may 5,3 triệu USD), nhập khẩu đạt 42,3 triệu USD (trong đó hạt điều thô 22 triệu USD, thức ăn gia súc 10 triệu USD).
Tháng 9/2014, Chính phủ Tan-da-ni-a đã cấp phép cho T ập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel triển khai xây dựng và vận hành mạng viễn thông 3G tại Tan-da-ni-a (dự kiến khai trương tháng 7/2015).
Thời gian qua, hai nước cũng đã tích cực trao đổi đoàn các cấp. Phía Việt Nam: Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (1970), Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (1973), Bộ trưởng Võ Đông Giang (1982), Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (9/2001), Thứ trưởng Thương mại Lê Danh Vĩnh (3/2002), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (2006), Thứ trưởng Công Thương Lê Dương Quang (2010), Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội Phạm Minh Tuyên (2011), Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân (2013); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (5/2014).
Phía Tan-da-ni-a: Nguyên Tổng thống J. Nyeree vào Việt Nam dự Hội nghị về hợp tác Nam – Nam với tư cách là Chủ tịch Phương Nam (1994), Ngoại trưởng Tan-da-ni-a Jakaya Kikwete (5/2001), Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại (11/2004), Tổng thống Benjamin W.Mkapa (12/2004), Thủ tướng Edward Lowassa (9/2006), Bộ trưởng Nông nghiệp Tan-da-ni-a (9/2007), Phó Chủ tịch Quốc hội Anne S.Makinda (11/2009), Thủ tướng Pinda (3/2010), Thư ký thường trực Bộ Nông nghiệp, An ninh Lương thực và Hợp tác dẫn đầu sang tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam châu Phi lần 2 (8/2010) kết hợp làm việc với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương; Tổng thống khu bán tự trị Dan-di-ba thuộc Tan-da-ni-a Ali Mohamed Shein (11/2012).
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Tan-da-ni-a Gia-cay-a Mơ-ri-sô Ki-quết-tê nhằm thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Tan-da-ni-a; trao đổi kinh nghiệm và biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, đầu tư, giáo dục, y tế, viễn thông và trao đổi về một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Theo CPV
Ý kiến ()