Thúc đẩy hợp tác quốc tế về AI
42 nước thông qua khuyến nghị của OECD về AI.
Tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng hằng năm của OECD mới diễn ra tại Pháp, khuyến nghị về AI được 36 quốc gia thành viên OECD cùng Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Cô-lôm-bi-a, Cô-xta Ri-ca, Pê-ru và Ru-ma-ni đồng thuận nhằm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm tính an toàn, công bằng và đáng tin cậy của AI.
Ai hiện nay đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực từ vận chuyển, sản xuất, tài chính cho đến y tế và an ninh. AI là một công nghệ có tiềm năng cải thiện đời sống của con người, góp phần tích cực vào các hoạt động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, AI cũng đặt ra những thách thức với xã hội và nền kinh tế như gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tăng tính cạnh tranh trong thị trường và gây những lo ngại về vi phạm nhân quyền, quyền riêng tư. Các tác động của AI cho thấy sự cần thiết phải đưa ra nhận thức chung về AI và hợp tác quốc tế để quản lý công nghệ này.
Khuyến nghị của OECD gồm các nguyên tắc chung về AI và các đề xuất chính sách cho các quốc gia và trong hợp tác quốc tế. Nguyên tắc của OECD về AI tập trung thiết lập một tiêu chuẩn có thể được áp dụng trong thực tế và đủ linh hoạt để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Trong đó, AI phải phục vụ mục đích tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mọi người. Ðáng chú ý, OECD khuyến nghị hệ thống AI phải được thiết kế tuân thủ pháp luật, quyền con người vì một xã hội công bằng. Bên cạnh đó, nguyên tắc của OECD yêu cầu phải bảo đảm tính công khai, minh bạch với toàn bộ hệ thống AI. Trong suốt quá trình vận hành, các hệ thống AI phải hoạt động an toàn, cần liên tục được đánh giá và giải quyết các lỗi, rủi ro. Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân phát triển, triển khai hoặc vận hành các hệ thống AI phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động của mình theo các nguyên tắc được đưa ra.
Ðể đáp ứng các nguyên tắc nêu trên, OECD đề xuất các quốc gia thúc đẩy đầu tư ở cả khối nhà nước và tư nhân, đồng thời xem xét và điều chỉnh chính sách và khung pháp lý để hỗ trợ, tạo môi trường thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển, triển khai và vận hành các hệ thống AI. OECD kêu gọi các nước chia sẻ thông tin, cùng hợp tác trong việc hình thành các
tiêu chuẩn quốc tế nhằm quản lý và giám sát các hệ thống AI. OECD cũng đề xuất trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người dùng để sử
dụng và tương tác hiệu quả với các hệ thống AI. Ngoài ra, các chính phủ cần bảo đảm công bằng cho người lao động, tránh các tác động tiêu cực với thị trường lao động khi các hệ thống AI được triển khai.
Mặc dù không ràng buộc về mặt pháp lý, các nguyên tắc của OECD trong một số lĩnh vực như quản trị doanh nghiệp, bảo mật thông tin đã có tầm ảnh hưởng lớn trong việc giúp chính phủ nhiều nước xây dựng luật pháp quốc gia và thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên tắc của OECD về AI là nguyên tắc quốc tế đầu tiên về công nghệ này và sẽ là một tiêu chuẩn quan trọng trong tương lai.
Việc thông qua khuyến nghị của OECD thể hiện nỗ lực của các quốc gia nhằm tìm kiếm các giải pháp chung trước tiềm năng phát triển và các tác động của AI. Trong thời gian tới, các chuyên gia của OECD sẽ xây dựng những hướng dẫn cụ thể để áp dụng những nguyên tắc, giải pháp về AI trong thực tế. Ðể phổ biến những nguyên tắc chung về AI, các đề xuất của OECD cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới tại Nhật Bản.
Theo Nhandan
Ý kiến ()