Thúc đẩy hợp tác lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, hỗ trợ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc
Triển vọng hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói chung, tiêu chuẩn hóa nói riêng là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hai nước có tính tương đồng, bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển kinh tế thế giới hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân tới Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13/12/2023, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Trong Tuyên bố chung có nhấn mạnh đến hợp tác về khoa học công nghệ, trong đó có lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Thực tế, thời gian qua, hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng, trong đó nông sản, thủy sản là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; ngược lại, Việt Nam cũng nhanh chóng mở cửa thị trường cho nông sản, thực phẩm từ Trung Quốc.
Cùng với đó, hai bên còn thúc đẩy ký kết Nghị định thư đối với các loại nông sản, thực phẩm có hoạt động thương mại truyền thống; phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, xử lý vướng mắc về cơ chế, chính sách… mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng về đầu tư, thương mại song phương.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng quy chuẩn hóa quy định và hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, Codex, AOAC…).
Điều này yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước (các bộ: Tài chính, Ngoại giao, NN&PTNT, Công thương, KH&CN…) phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu, chủ động, duy trì thường xuyên làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để cập nhật, chia sẻ thông tin và cùng nhau bàn bạc, giải quyết kịp thời những bất cập, khó khăn phát sinh cho công tác quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu giữa 2 nước.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN) cho biết, trong thời gian qua, Tổng cục đã tích cực hợp tác với các cơ quan liên quan của Trung Quốc ở nhiều cấp độ hợp tác khác nhau.
Về hợp tác quốc tế lĩnh vực tiêu chuẩn hoá, Việt Nam và Trung Quốc là những thành viên tham gia tích cực vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế lớn hàng đầu trên thế giới (ISO, IEC, ITU, Codex…). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có những trao đổi thông tin kịp thời, ủng hộ các đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO của Trung Quốc, phối hợp trong xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO hai bên cùng quan tâm về xe điện, dược liệu, nông sản, bảo tồn di sản văn hoá…
Trong khuôn khổ hợp tác Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện Việt Nam tham gia Tiểu ban Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Quy trình đánh giá sự phù hợp (STRACAP).
Đến nay, Tiểu ban đã tổ chức được 6 phiên họp, xác định 5 lĩnh vực ưu tiên để đề xuất các phương thức, sáng kiến hợp tác nhằm tạo thuận lợi trong trao đổi thương mại giữa các nước trong ASEAN với Trung Quốc bao gồm: Thực phẩm chế biến sẵn, mỹ phẩm, thiết bị điện-điện tử, sản phẩm gỗ và sản phẩm ô tô.
Bên cạnh đó, hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc và trao đổi song phương các cấp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp. Trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ngày 12/11/2019, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ký bản ghi nhớ (MoU) với Cục Quản lý Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc (SAC) về tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin, hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng tiêu chuẩn quốc gia của nhau cho các lĩnh vực, sản phẩm hàng hoá chưa có tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn tiêu chuẩn hoá quốc tế, khu vực (ISO/IEC, PASC, APEC/SCSC, ASEAN/SCSC…).
Ngoài ra, Tổng cục đẩy mạnh hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Tiêu chuẩn ASEAN của Trung Quốc trong xây dựng tiêu chuẩn về đô thị thông minh, truy xuất nguồn gốc; phối hợp với Trung tâm Thông tin và Viện Tiêu chuẩn & Công nghệ Quảng Tây (GIST) tổ chức hội thảo khoa học, chia sẻ thông tin cập nhật về tiêu chuẩn nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin kịp thời, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc.
Mới đây, vào tháng 10/2023, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc – ASEAN, tại Quảng Tây, Trung Quốc, Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, đồng thời có buổi làm việc với Cơ quan Giám sát quy định thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) để thảo luận về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc
Để triển khai tinh thần của Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, cần khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện theo các hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ song phương đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trên cơ sở đó xác định bất cập, hạn chế, đề ra các mục tiêu mới để tiến hành ký kết các hiệp định, MoU hợp tác trong lĩnh vực này nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn thương mại song phương.
Theo đó, cần tập trung tăng cường hợp tác song phương về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tốt về cơ chế, chính sách quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn hóa, thiết lập kênh chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả phối hợp trong đề xuất, triển khai các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế mà 2 bên cùng có lợi ích, quan tâm; hỗ trợ xây dựng năng lực kỹ thuật, phối hợp trong đào tạo nguồn lực, chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Đồng thời thiết lập kênh trao đổi thông tin chính thức, trao đổi danh mục tiêu chuẩn quốc gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực/được chỉ định của Việt Nam và Trung Quốc cho các hàng hóa xuất nhập khẩu là thế mạnh của mỗi nước (nông sản, điện-điện tử, thiết bị máy móc, hàng tiêu dung…). Thông tin danh mục cập nhật về tiêu chuẩn quốc gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp của Trung Quốc đến các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp liên quan của Việt Nam.
Lập kế hoạch, xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc cho các lĩnh vực, mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chủ động đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (phòng thử nghiệm trọng điểm, tổ chức chứng nhận, tổ chức công nhận quốc gia…) đạt chuẩn mực quốc tế, ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) song phương với Trung Quốc về thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Còn theo bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam), bên cạnh việc nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, Tuyên bố chung cũng đã đề cập tới một điểm quan trọng khác về việc bảo vệ các nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi của WTO.
Do vậy để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, dù là mặt hàng nào, cũng cần phải tuân thủ các giá trị cốt lõi này để bảo đảm hợp tác lâu dài và bền vững giữa hai bên.
“Dù Trung Quốc hiện không còn là thị trường ‘dễ tính’ nhưng nếu chúng ta tôn trọng và tuân thủ đúng các nguyên tắc cũng như tận dụng tốt các quyền lợi của mình thì thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ lại trở thành cơ hội”, bà Tôn Nữ Thục Uyên cho hay.
Vì vậy, với doanh nghiệp, cần chủ động áp dụng các tiêu chuẩn hài hoà quốc tế trong sản xuất. Tận dụng quyền lợi của mình trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Trung Quốc, khi đó các hàng rào này sẽ được dỡ bỏ ngay từ khi chưa hình thành, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn. Các thông tin như vậy có thể cập nhật thông qua Văn phòng thông báo và hỏi đáp TBT đặt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc qua các điểm TBT đặt tại các bộ và qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc…
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()