Thúc đẩy hệ sinh thái số trong lĩnh vực ngân hàng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Với nhiều ưu điểm và tiện ích vượt trội từ công nghệ hiện đại, quá trình chuyển đổi số đã đưa dịch vụ ngân hàng gần hơn với người dân và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Dữ liệu từ NHNN cho thấy, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đạt hơn 182,88 triệu, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá.
Hơn 90% giao dịch trên kênh số
Trong 2 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, qua kênh internet tăng tương ứng 51,6% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.
Vụ trưởng Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết, đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Một số tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ hơn 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay,...).
Chính nhờ bắt kịp “con tàu” chuyển đổi số, không ít ngân hàng thương mại đến nay đã thu được thành quả. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cho hay, nhờ nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư tiêu chuẩn cùng chiến lược hấp dẫn khách hàng trên hệ sinh thái số đa dạng, MB duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp, MB thu hút được hơn 6 triệu khách hàng mới.
Trong năm 2024, MB sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin để bảo đảm khách hàng có được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất; triển khai tính năng dùng sinh trắc học khi chuyển tiền nhằm hỗ trợ khách hàng trong việc quản lý tài khoản tốt hơn. “Đây cũng là chiến lược để MB hút thêm khách hàng, qua đó đạt được mục tiêu 30 triệu khách hàng đề ra trong thời gian tới”, ông Lưu Trung Thái khẳng định.
Tương tự, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), ông Đặng Công Hoàn cho biết, từ năm 2023, SHB đã dịch chuyển và mở rộng hoạt động dịch vụ bán lẻ. Theo đó, số hóa toàn diện là đòn bẩy hiệu quả nhất để phát triển ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, tỷ trọng giao dịch trên các kênh số của SHB tiếp tục tăng trưởng. 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu tại SHB đã có thể thực hiện trên kênh số; 92% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số.
Gia tăng bảo mật từ sinh trắc học
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian qua trên hành trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng cũng rất tích cực triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin (NHNN) Đoàn Thanh Hải cho biết, hiện có 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại, 16 tổ chức tín dụng đã triển khai cung cấp dịch vụ; 58 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy, 22 tổ chức tín dụng đã triển khai cung cấp dịch vụ.
Về làm sạch dữ liệu, 23 tổ chức tín dụng đã ký với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (C06) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline, trong đó 14 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng. Hiện có 7 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.
Nhiều năm về trước, NHNN đã quy định các tổ chức trong ngành ngân hàng khi cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, phải thực hiện phân loại giao dịch, áp dụng các giải pháp xác thực giao dịch phù hợp với rủi ro mất an toàn thông tin của từng loại giao dịch. Mặc dù điều này tăng tính an toàn cho các giao dịch trực tuyến trước hành vi truy cập trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng giải pháp này vẫn chưa cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thụ hưởng của các giao dịch bất hợp pháp như đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... Nguyên nhân là dữ liệu cá nhân của khách hàng trong cơ sở dữ liệu khách hàng của các tổ chức cung cấp dịch vụ không sạch. Tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc ít người thực hiện thuê, mua tài khoản thanh toán; làm giả thông tin cá nhân để mở tài khoản thanh toán,... Điểm yếu này cho phép tội phạm sử dụng công nghệ cao có cơ hội “ẩn thân”, tiếp tục thực hiện các hành vi phạm pháp trên không gian mạng.
Từ ngày 1/7 tới, theo Quyết định số 234/QĐ-NHNN của NHNN, các ngân hàng phải phối hợp với Bộ Công an làm sạch cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng bằng việc đối chiếu cơ sở dữ liệu sinh trắc đã được ngân hàng lưu trữ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Hưng Nguyên cho hay, NAPAS đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng và quản lý.
Đến nay, NAPAS đã thí điểm một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến phí/lệ phí cấp lý lịch tư pháp cho người dân. “Liên quan vấn đề lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây, NAPAS đang phối hợp các ngân hàng và cơ quan quản lý đưa ra thêm một số giải pháp bổ trợ để giám sát, phát hiện sớm tài khoản có dấu hiệu gian lận, giả mạo nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi thực hiện giao dịch”, ông Nguyên cho biết thêm.
Ý kiến ()