Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, yêu cầu cấp bách đặt ra là cùng với quyết liệt phòng chống, khống chế không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, một trong những giải pháp quan trọng được coi như chìa khóa cho tăng trưởng hiện nay đó là phải quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020. |
Ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ đã nhận định như trên khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.
Các thành viên Chính phủ cho rằng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời trong tháng 7 và 7 tháng năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua đó, nhiều ngành, lĩnh vực có những chuyển biến hết sức tích cực, nhất là trong lĩnh vực phát triển thị trường trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công tác giải ngân vốn đầu tư công…
Trong 7 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, toàn diện hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành hợp lý, đã duy trì được sự ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô và để lại dư địa chính sách cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Các chính sách về huy động vốn đầu tư toàn xã hội gồm giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước, xuất nhập khẩu… được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế và là động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới. Đặc biệt, các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đồng bộ giúp tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, do tác động của đại dịch COVID-19, trong năm 2020, dự báo dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu suy giảm tới 40%, tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) tháng 7 tăng mạnh, tăng 76,2% so tháng 6 và tăng 79,8% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng ước đạt 18,8 tỷ USD, bằng 93,1% cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt 10,12 tỷ USD, bằng 95,9%. Tiến độ giải ngân vốn NSNN 7 tháng cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước.
“Để đạt được kết quả này, một phần là do hành lang pháp lý về đầu tư công đã được đổi mới toàn diện thể hiện trong công tác giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN, nhưng chủ yếu là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020 của tất cả các cấp, các ngành”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Các thành viên Chính phủ cho rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Một số ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong quá trình triển khai thực hiện. Đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, người được phân công theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất tháo gỡ khó khăn, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm của cán bộ được phân công.
Ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, về giải ngân đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định về giải ngân đầu tư công, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ để đánh giá cán bộ năm 2020.
Được biết, thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, để thực hiện “mục tiêu kép”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác giải ngân đầu tư công năm 2020, đồng thời làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… nhằm thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công – khơi thông động lực tăng trưởng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) tại các bộ, cơ quan, địa phương./.
Ý kiến ()