Thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA
Ðây là nội dung trọng tâm của hội nghị giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi (Ban chỉ đạo) với nhóm sáu ngân hàng tài trợ (gồm ADB, AFD, JICA, KFW, Kexim và WB) tổ chức ngày 29-3 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo tới dự.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bên liên quan, nhất là bộ, ngành, địa phương có dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp, nhiều vướng mắc cần kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm và có giải pháp khắc phục triệt để. Do nguồn vốn đối ứng hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu cho nên cần xác định dự án ưu tiên để tránh phân tán nguồn lực; thông tin lượng vốn đối ứng từng dự án cho nhà tài trợ để phối hợp giải ngân. Vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn là vướng mắc lớn, phải nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thực thi Luật Ðất đai (sửa đổi),chỉnh sửa quy định đấu thầu, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án; kiên quyết cải cách xây dựng cơ bản, từng bước khắc phục tình trạng hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, đội giá, tiến tới tiếp cận chuẩn mực quốc tế,… Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Khi thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi cần minh bạch, trung thực; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm từng khâu; xác định lĩnh vực, phạm vi tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện tiêu cực để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn và phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong năm qua, Ban chỉ đạo đã hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai hoạt động, tăng cường quan hệ đối tác và nâng cao hiệu quả việc tài trợ. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân năm 2013 đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2012. Các nhà tài trợ quy mô lớn tiếp tục duy trì mức giải ngân cao (JICA gần 1,7 tỷ USD; WB gần 1,4 tỷ USD; ADB 1,3 tỷ USD). Tuy vậy, tình hình thực hiện và giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương chưa đồng đều. Hạn chế lớn nhất là báo cáo khả thi và văn kiện dự án chưa đạt chất lượng, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, năng lực nhà thầu hạn chế, nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô do chậm tiến độ, phát sinh trượt giá. Bộ đã kiến nghị một số nhóm giải pháp chung và cụ thể nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân chương trình, dự án ODA như hoàn thiện chính sách, thể chế; bảo đảm các cam kết phía Việt Nam; nâng cao chất lượng báo cáo khả thi; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tái định cư và vốn đối ứng,…
Theo Nhandan
Ý kiến ()