Thúc đẩy dùng chung hạ tầng viễn thông
Chính sách thúc đẩy dùng chung hạ tầng (DCHT), nhất là trong ngành viễn thông, được ban hành từ năm 2012. Tuy nhiên đến nay, các nhà mạng mới chỉ dùng chung khoảng 15% số cột ăng-ten, trạm thu phát sóng di động (BTS).
Ðiều này cho thấy hiệu quả đầu tư hạ tầng chưa được tối ưu hóa. Thời gian tới, khi mạng 5G được triển khai rộng khắp, vùng phủ sóng của các trạm BTS sẽ hẹp hơn nhiều so với các công nghệ cũ (2G, 3G và 4G), do đó, yêu cầu dùng chung hạ tầng là bắt buộc để bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp và hiệu quả đầu tư.
Nhiều cam kết tích cực
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường, từ năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 72/2012/NÐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, khuyến khích việc các tổ chức, cá nhân bố trí, lắp đặt đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng; đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung. Với ngành viễn thông, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng và Kết nối thuộc Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT-TT) Giang Văn Thắng cho biết, khi xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (HTKTVTTÐ) tại các địa phương, các Sở TT-TT đều yêu cầu các doanh nghiệp (DN) viễn thông phải báo cáo thực trạng hạ tầng của mình cũng như kế hoạch phát triển trong thời gian tới, đồng thời tham khảo thêm quy hoạch của các ngành khác. Từ đó, quy định rõ hạ tầng nào bắt buộc phải dùng chung như: cống bể, ống cáp hay đường ống kỹ thuật, hệ thống cột điện,… Bản thân các DN viễn thông cũng phần nào chủ động dùng chung các cột ăng-ten hay trạm BTS. Tuy nhiên, việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình HTKTVTTÐ vẫn còn rất hạn chế. Thống kê cho thấy, mới chỉ có 15% số cột ăng-ten, trạm BTS được các DN viễn thông sử dụng chung. Thực trạng này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính DN viễn thông mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân.
Mới đây, Bộ TT-TT ban hành Chỉ thị 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung HTKTVTTÐ giữa các DN viễn thông. Theo đó, định kỳ quý IV hằng năm, các DN viễn thông phải báo cáo các sở TT-TT để tập hợp, quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển HTKTVTTÐ và phương án sử dụng chung hạ tầng tại địa phương; trao đổi với nhau kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông theo từng tỉnh, thành phố, từ đó thống nhất danh mục vị trí cột ăng-ten, tuyến cống bể cáp, tuyến cột treo cáp, nhà trạm viễn thông đang sử dụng hoặc sắp đầu tư có thể cùng chia sẻ, sử dụng chung. Các sở TT-TT cần chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan tại địa phương xác định, công bố công khai hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện lực, cấp thoát nước, giao thông, xây dựng,…) mà các DN viễn thông có thể sử dụng chung. Sau khi Chỉ thị này được ban hành, việc sử dụng chung hạ tầng của các nhà mạng đã có nhiều chuyển biến. Theo ông Giang Văn Thắng, hiện đã có gần 50 sở TT-TT ban hành kế hoạch sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn các địa phương. Dưới sự hối thúc của Cục Viễn thông, các DN viễn thông vừa triển khai ký kết thỏa thuận cam kết sẽ dùng chung 2.100 trạm BTS và cột ăng-ten trong thời gian tới.
Tăng hiệu quả đầu tư
Ðể chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ, Bộ TT-TT đưa lộ trình trong năm 2020 sẽ triển khai thương mại mạng di động 5G tại Việt Nam. Ðây là mạng di động thế hệ mới, sử dụng băng tần cao, bảo đảm tốc độ truy nhập lớn. Tuy nhiên, do hạn chế về băng tần cao nên phạm vi phủ sóng bị thu hẹp. Cụ thể, phạm vi phủ sóng của trạm 5G chỉ được 20 đến 100 m trong khi với các trạm 2G, 3G, 4G do sử dụng băng tần thấp có thể phủ sóng trong phạm vi 2 đến 15 km. Do đó, nếu muốn 5G phủ sóng rộng sẽ cần số trạm BTS rất lớn, mật độ dày đặc. Thực tế này bắt buộc các nhà mạng phải chủ động DCHT và tận dụng cả hạ tầng của nhiều ngành khác nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư. Ông Thắng nhấn mạnh, việc sử dụng chung hạ tầng giữa các nhà mạng cũng như của các ngành khác là yêu cầu bắt buộc để triển khai hiệu quả 5G. Mặt khác, do trạm BTS 5G có kích thước nhỏ, gọn, có thể lắp trên các cột đèn, cột điện, tòa nhà, công trình công cộng cho nên việc DCHT sẽ càng mang lại hiệu quả cao.
Về phía các nhà mạng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm cho biết, mới đây VNPT tiến hành thử nghiệm mạng VinaPhone 5G đạt được tốc độ hơn 2,2 Gb/giây, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0. Ðây là những số liệu tích cực, tiệm cận với chuẩn 5G của thế giới. Như vậy, VNPT đã sẵn sàng để triển khai công nghệ mới này ngay sau khi Bộ TT-TT cấp phép. Cũng theo ông Huỳnh Quang Liêm, dù việc đầu tư cho mạng 5G rất lớn, nhưng trong thiết kế mạng và công nghệ lại cho phép các nhà mạng có thể hợp tác chia sẻ dùng chung thiết bị viễn thông 5G. Vì vậy, các nhà mạng có thể cùng nhau nghiên cứu để tiến thêm bước nữa trong hợp tác dùng chung thiết bị, giảm bài toán đầu tư, chung tay phát triển nhanh mạng 5G chứ không chỉ dừng ở việc dùng chung các cột ăng-ten hay trạm BTS như hiện nay.
Bình luận về vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng của các nhà mạng, Tổng Giám đốc Gmobile Nguyễn Trường Phi cho rằng, sắp tới việc đầu tư cho 5G sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Mục đích của mạng 5G là phục vụ nhu cầu cho in-tơ-nét vạn vật (IoT) nên cần cơ sở hạ tầng lớn, đồng thời cần tận dụng cả những hạ tầng nhỏ như cột điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu,… Vì vậy, Gmobile rất mong muốn sử dụng chung hạ tầng với các nhà mạng nói riêng và của cả những đơn vị thuộc nhiều ngành khác để giảm chi phí đầu tư cũng như tăng hiệu quả kinh doanh.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 10-2020, Việt Nam sẽ triển khai thương mại mạng 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Ðây là một bước tiến quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm tốt về an ninh – quốc phòng. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất, làm chủ thiết bị 5G. Ðiều này có ý nghĩa chiến lược, đưa nước ta tiến cùng nhịp phát triển mạng 5G với các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()