Thúc đẩy du lịch nội địa, phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19
Ngành du lịch đang nỗ lực mở cửa trở lại các dịch vụ, từ hàng không đến khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, để thực hiện chiến lược phục hồi nền kinh tế ngay trong và sau đại dịch COVID-19, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc mới đây.
Hội nghị “Các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19”. |
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả của những nỗ lực nói trên và đặc biệt là kích cầu du lịch nội địa, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và Tổng cục Du lịch đã phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” vào ngày 16/5 mới đây.
Tiếp nối hội nghị diện rộng này, để các giải pháp thực sự khả thi, Tổng Cục Du lịch tiếp tục phối hợp cùng Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức Hội nghị lần 2 với chủ đề “Các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19” vào chiều nay, 21/5 tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham gia của trên 50 khách mời là lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn cùng một số chuyên gia, dự báo sẽ mang tới cho thị trường du lịch một kế hoạch hành động thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được khống chế nhưng ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép để kích cầu du lịch nội địa, Bộ VHTT&DL cũng khởi xướng kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Nhiều hoạt động đã được triển khai, nhiều tỉnh chủ động kích cầu ngành như Quảng Ninh, Nghệ An… Trước đó, hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” đã diễn ra thành công với 700 đại biểu tham dự. Tại sự kiện, nhiều nghiên cứu, giải pháp được trình bày nhằm khắc phục du lịch, tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, để phục hồi ngành cần nhiều việc làm cụ thể như cần kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn để mang tính cộng hưởng, lan toả.
“Đây là thời điểm các tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện vai trò dẫn dắt. Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu ngành”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng kỳ vọng tại hội thảo lần này, các đại biểu sẽ tích cực chia sẻ giải pháp để cùng hướng đến mục tiêu chung.
Về thị trường du lịch quốc tế, theo ông Khánh, Việt Nam có nhiều lợi thế khi kiểm soát thành công COVID-19, được các nước đánh giá cao. “Chúng ta cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông và kết quả hiện tại để truyền bá hình ảnh và nâng cao hiệu quả du lịch Việt Nam”, ông nói.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho biết, ngày 19/5, Trưởng đại diện cơ quan du lịch Thái Lan tại Việt Nam cũng thảo luận để du lịch song phương với lãnh đạo Bộ VHTT&DL thời gian tới. Phía Hàn Quốc cũng có hành động tương tự với Việt Nam về giao thương, văn hoá, du lịch để phục hồi như trước dịch.
“Tôi đề nghị các đại biểu chia sẻ ý kiến, đưa ra các giải pháp an toàn, thảo luận lộ trình, đảm bảo đón khách quốc tế an toàn. Mong muốn doanh nghiệp, tập đoàn cùng tiếng nói đề xuất với Chính phủ cùng vào cuộc để khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế trong điều kiện cho phép”, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị.
Phiên thứ nhất của Hội nghị có nội dung Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và vai trò dẫn dắt hệ sinh thái du lịch của các doanh nghiệp lớn.
Các đại biểu tham dự cùng phân tích khảo sát của Google và khảo sát của TAB phối hợp cùng VnExpress. Phiên thảo luận xác định xu hướng du lịch của người Việt và những vấn đề đặt ra trong phục hồi du lịch sau giãn cách xã hội, để cân nhắc cách làm, đề xuất giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa.
Từ đó, ngành du lịch sẽ tạo lập hệ sinh thái du lịch với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, cùng những sự kết hợp cần thiết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền và các bên liên quan, dự kiến hành động cần thiết cũng như cam kết từ các doanh nghiệp.
Phiên thứ hai của Hội nghị đề cập đến một số kinh nghiệm, mô hình của các nước để cân nhắc các giải pháp đón đầu du lịch quốc tế cho Việt Nam. Các đại biểu đã đánh giá những cơ hội khả thi, an toàn trong bối cảnh đại dịch và điều kiện áp dụng… đặc biệt với các thị trường có tiềm năng tiến hành du lịch song phương sau dịch.
Ý kiến ()