Thúc đẩy doanh nghiệp Lạng Sơn phát triển
LSO-Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã giúp ích đáng kể cho các doanh nghiệp trong việc tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân sự. Chính vì thế, ngày càng nhiều doanh nghiệp Lạng Sơn ứng dụng CNTT trong việc điều hành, xem đây là một biện pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tăng tính cạnh tranh, đáp ứng những đòi hỏi trong thời hội nhập kinh tế quốc tế.
Giao dịch chuyển tiền qua mạng tại VietinBank Lạng Sơn |
Từ năm 2011, hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh điện tử cho doanh nghiệp đã được Lạng Sơn triển khai. Trong những năm qua, hệ thống liên tục được nâng cấp, ứng dụng những công nghệ mới. Với dịch vụ công này, người thành lập doanh nghiệp có thể chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hoặc hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cần phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Bà Phùng Thanh Nga, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: nhờ ứng dụng CNTT, việc thực hiện đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp được đơn giản hơn rất nhiều. Với các dịch vụ kiểm tra tên doanh nghiệp, rà soát, hiệu đính thông tin đăng ký kinh doanh, các dịch vụ cung cấp thông tin doanh nghiệp và đăng bố cáo doanh nghiệp gần như hoàn toàn tự động đã giúp người đi đăng ký kinh doanh rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký kinh doanh thành lập mới.
Việc ứng dụng CNTT đã giúp các doanh nghiệp Lạng Sơn nắm bắt nhanh chóng và kịp thời sự đòi hỏi cũng như biến động của thị trường kinh tế trong nước và quốc tế, từ đó có thể xây dựng phương án sản xuất kinh doanh một cách hợp lý. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp, hiện nay, gần như 100% các doanh nghiệp hội viên đều trang bị đầy đủ máy vi tính và trang thiết bị công nghệ văn phòng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đều đã nhận thấy lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong quản lý doanh nghiệp để tăng hiệu quả hoạt động. Hơn nữa, các doanh nghiệp không chỉ dùng máy tính, ứng dụng công nghệ để thực hiện các thao tác văn phòng đơn giản mà đã có doanh nghiệp nhanh chóng áp dụng các phần mềm quản lý kinh doanh giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và tiết kiệm nhân lực. Các doanh nghiệp này nhanh nhạy trong việc thiết lập website làm công cụ quảng bá và bán hàng, điều hành thông qua mạng nội bộ, thực hiện các giao dịch điện tử, chia sẻ dữ liệu online… Đặc biệt đối với những doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, thương mại, việc ứng dụng CNTT đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng và gần gũi hơn.
Ông Hoàng Hữu Công, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Chi nhánh Lạng Sơn (VietinBank Lạng Sơn) cho biết: Những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện cổ phần hóa, VietinBank Lạng Sơn xác định đầu tư, ứng dụng CNTT là vấn đề cốt lõi để đạt được thành công trong kinh doanh. VietinBank đã đầu tư, ứng dụng CNTT vào tất cả các mặt hoạt động kinh doanh và quản trị, điều hành ngân hàng. Vừa phát triển mạng lưới hệ thống ngân hàng tự động như hệ thống máy ATM, các POS… vừa ứng dụng CNTT trong việc triển khai các công cụ quản lý kinh doanh như hệ thống định giá điều chuyển vốn nội bộ, hệ thống thông tin khách hàng…. Hiện nay, 100% cán bộ của VietinBank Lạng Sơn xử lý nghiệp vụ ngân hàng bằng máy, 98% máy tính ở các ngân hàng được kết nối mạng và khoảng 60% máy tính kết nối băng thông rộng. Việc đầu tư, ứng dụng CNTT đã tạo nền tảng để VietinBank phát triển nhanh, mạnh về quy mô, thị phần, tham gia tích cực vào việc bình ổn thị trường.
Ngoài những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, thương mại, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng thành công từ việc ứng dụng CNTT vào hoạt động. Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long cho biết: hiện nay, số lượng công nhân của công ty là hơn 500 người, lao động ở nhiều bộ phận khác nhau. Nhờ ứng dụng CNTT, cài đặt và thường xuyên nâng cấp các phần mềm quản lý nhân sự nên những năm gần đây, việc quản lý cũng như điều hành lao động luôn chính xác và hiệu quả. Đặc biệt trong quá trình sản xuất, ban giám đốc luôn kiểm soát được các hoạt động cũng như dây chuyền đang vận hành tại mọi thời điểm, qua đó, phát hiện và khắc phục kịp thời những vấn đề phát sinh, giảm được rất nhiều chi phí rủi ro.
Rõ ràng, sự thành công của nhiều doanh nghiệp Lạng Sơn cho đến ngày hôm nay một phần quan trọng là đã nhanh chóng áp dụng những ứng dụng CNTT vào quá trình hoạt động sản xuất. Để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng CNTT một cách hiệu quả hơn nữa, Hiệp hội Doanh nghiệp đã phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các nhà quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững cho doanh nghiệp Lạng Sơn trong thời kỳ hội nhập.
ANH DŨNG
Ý kiến ()