Thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Khu vực Bắc Trung Bộ gồm sáu tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua, việc thu hút đầu tư vào các tỉnh khu vực này còn thấp. Gần đây, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành tạo điều kiện để các tỉnh Bắc Trung Bộ bứt phá, vươn lên.Đầu tư chưa tương xứng tiềm năngVụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trang Hiếu Dũng cho biết, khu vực Bắc Trung Bộ có vị trí thuận lợi, nằm trên trục giao thông bắc - nam về cả đường sắt và đường bộ. Các tỉnh trong khu vực có hệ thống sân bay (Vinh, Đồng Hới, Phú Bài), cảng biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Thuận An...) thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa các tỉnh, các vùng và quốc tế, đặc biệt với Lào và vùng đông bắc Thái-lan.Các tỉnh Bắc Trung Bộ có 3,4 triệu ha đất nông nghiệp, hơn 1,6 triệu ha đất có rừng, gần 1,6 triệu...
Đầu tư chưa tương xứng tiềm năng
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trang Hiếu Dũng cho biết, khu vực Bắc Trung Bộ có vị trí thuận lợi, nằm trên trục giao thông bắc – nam về cả đường sắt và đường bộ. Các tỉnh trong khu vực có hệ thống sân bay (Vinh, Đồng Hới, Phú Bài), cảng biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Thuận An…) thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa các tỉnh, các vùng và quốc tế, đặc biệt với Lào và vùng đông bắc Thái-lan.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ có 3,4 triệu ha đất nông nghiệp, hơn 1,6 triệu ha đất có rừng, gần 1,6 triệu ha đất có thể phát triển trồng rừng. Bờ biển dài 670 km, trong đó có nhiều dải cát và đầm phá ven biển phù hợp cho việc nuôi thủy sản. Tuy nhiên, hiện các tiềm năng này vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Đồng chí Trang Hiếu Dũng cho biết: 'Thu hút đầu tư trong vùng còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng của vùng, nhất là đầu tư FDI. Các dự án đầu tư phần lớn có quy mô và số vốn không lớn'. Giai đoạn 2000-2009, tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khu vực Bắc Trung Bộ đạt 4,2%/năm, thấp hơn bình quân cả nước (5,2%/năm). Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của sáu tỉnh Bắc Trung Bộ tuy đã phát huy được tính đa dạng nhưng vẫn chưa tạo được mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Thu nhập và mức sống của phần lớn nông dân còn thấp. Nguyên nhân là do đầu tư vào nông nghiệp có độ rủi ro cao, nhất là đối với khu vực Bắc Trung Bộ, nơi thường xảy ra bão lụt, hạn hán; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, xa các trung tâm kinh tế; tính năng động chưa cao thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh trong vùng còn thấp.
Vừa qua, tại TP Đồng Hới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư nông nghiệp, nông thôn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tại đây, các tỉnh đã giới thiệu 46 dự án ưu tiên đầu tư cùng những chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh trong khu vực. Giai đoạn 2011-2020, sáu tỉnh trong khu vực kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cây cao-su, chăn nuôi trâu, bò theo hướng trang trại, có kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, nuôi trồng thủy sản trên vùng triều, vùng cát ven biển và phát triển công nghiệp chế biến thủy, hải sản, xây dựng hạ tầng nghề cá, phát triển rừng sản xuất, công nghiệp chế biến đồ gỗ. Phấn đấu đến năm 2020 vùng Bắc Trung Bộ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các tỉnh Bắc Trung Bộ tuy có những khó khăn nhất định về thời tiết, khí hậu nhưng có nhiều lợi thế, trước hết là nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ văn hóa cao, điều kiện giao thông thuận lợi, khả năng về đất đai, rừng, biển rất lớn. Do vậy, đây là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế đầu tư phát triển nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là thế mạnh phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng và chế biến gỗ, trồng cây công nghiệp, như cao-su, cà-phê, mía đường, lạc… và các loại cây ăn quả đặc sản (cam, bưởi, dứa…). Mấy năm gần đây, các tỉnh miền trung được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Bắc Trung Bộ đã trở thành khu vực năng động trong việc thu hút đầu tư. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2010, số dự án đầu tư nước ngoài vào khu vực đã chiếm 18% tổng số dự án của cả vùng từ năm 1988 đến nay.
Cùng với tiềm năng và lợi thế, gần đây, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ ban hành sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp, nông thôn Bắc Trung Bộ có cơ hội vươn lên. Nghị định 61/2010/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một thí dụ. Theo đó, danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được mở rộng cũng như tăng thêm mức độ và hình thức khuyến khích, ưu đãi. Có 28 lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, bao gồm cả sản xuất, thương mại và hạ tầng phát triển nông thôn. Chẳng hạn, với dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư sẽ được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất; doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp được hỗ trợ 50% – 100% phí đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ 50% – 70% chi phí quảng cáo; hỗ trợ 50% kinh phí cho đề tài nghiên cứu tạo công nghệ mới, 30% cho sản xuất thử nghiệm. Ngoài ra, các tỉnh trong khu vực còn có các chính sách ưu đãi nhà đầu tư hấp dẫn khác.
Những điểm sáng trong khu vực
Một số nhà đầu tư cho rằng, để đưa nền nông nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ phát triển, trước hết phải xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, đồng thời mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực này để tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á Thái Hương cho rằng: 'Nền nông nghiệp của nước ta nhìn chung vẫn nằm ở mức thấp, chưa chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Chẳng hạn, là một nước nông nghiệp nhưng hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sữa. Nếu đầu tư công nghệ cao vào sản xuất sữa thì vấn đề trên hoàn toàn có thể khắc phục được'. Và thực tế là Ngân hàng Bắc Á bước đầu đã thành công theo cách làm riêng của mình. Cuối tháng 12-2010, Công ty cổ phần sữa TH (Nghệ An) đưa ra thị trường sản phẩm sữa sạch TH true Milk. Đây là sự kiện quan trọng của ngành sữa Việt Nam bởi TH true Milk là sản phẩm đầu tiên của dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa sạch quy mô lớn nhất Đông – Nam Á tại Nghệ An, với số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Bà Thái Hương cho biết, hiện Công ty cổ phần sữa TH phát triển đàn bò hơn 10.000 con, nhập khẩu từ các nước Niu Di-lân, U-ru-goay, Ca-na-đa. Dự kiến đến năm 2017, công ty sẽ có 137.000 con bò và nhà máy chế biến đạt công suất 500 triệu lít/năm, đáp ứng 50% nhu cầu sản phẩm sữa của thị trường trong nước. Hiện nay, bà Thái Hương tiếp tục là nhà tư vấn đầu tư tài chính dự án xây dựng khu nông nghiệp chất lượng cao trồng hoa, củ, quả giữa Công ty cổ phần lâm nghiệp T.5 (Nghệ An) và Công ty Green 2000 (I-xra-en) với tổng số vốn đầu tư 31,9 triệu USD.
Kể từ khi Nhà máy mía đường Quảng Bình phá sản (năm 2001), nông dân nhiều địa phương trong tỉnh không biết làm gì trên diện tích hàng nghìn ha đất trồng mía. Trước tình thế đó, Công ty Xây dựng và Tư vấn Bình Lợi (Quảng Bình) đã mạnh dạn liên doanh với một doanh nghiệp ở tỉnh Tây Ninh để xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn. Lúc đầu có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của nhà máy. Nhưng lãnh đạo Công ty Bình Lợi thì không nghĩ vậy, họ quyết tâm làm và thực tế đã chứng minh trong năm năm qua, Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh đã đồng hành với nông dân Quảng Bình. Nông dân các địa phương đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng mía sang trồng sắn và mang lại hiệu quả ngày càng cao. Địa phương, người dân và nhà máy ngày càng gắn kết với những mục tiêu lâu dài để nông dân yên tâm sản xuất. Đây là minh chứng sinh động về hiệu quả liên kết 'bốn nhà' trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình. Vụ sắn năm nay, hàng nghìn hộ trồng sắn trong tỉnh rất vui khi sắn tươi có giá 2.100 đồng/kg, cao gấp hai lần so với năm 2009 và gấp ba lần năm 2008. Chúng tôi về xã Phú Định, huyện Bố Trạch, Quảng Bình khi người dân đang thu hoạch sắn đại trà. Ông Ngô Văn Thành ở thôn 8, là chủ hợp đồng đại diện cho 100 hộ trồng sắn với diện tích 60 ha cho biết, bây giờ người người trồng sắn, nhà nhà trồng sắn. Riêng gia đình ông vụ sắn này thu nhập gần 45 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác.
Có thể thấy đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ở khu vực Bắc Trung Bộ có độ rủi ro cao, nhưng không vì thế mà các nhà đầu tư nản lòng. Vấn đề là nhà đầu tư phải mạnh dạn, tính toán, lựa chọn công nghệ tiên tiến, phù hợp để phát huy hiệu quả đồng vốn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trong khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()