Thúc đẩy đầu tư công: Thực hiện nghiêm túc "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm"
- Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy đầu tư công. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị, phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương là hơn 669,2 nghìn tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn đạt 100% kế hoạch.
Tính đến hết tháng 6/2024, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết được 95,5% kế hoạch vốn giao. Toàn quốc đã giải ngân được hơn 196,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 29,39% kế hoạch vốn giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giải ngân được 30,49% kế hoạch).
Đánh giá kết quả giải ngân theo bộ, ngành, địa phương, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức bình quân chung cả nước. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt cao so với kế hoạch và cùng kỳ 2023.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 6/2024, tỉnh được giao vốn đầu tư công bao gồm cả vốn bổ sung là hơn 3,9 nghìn tỷ đồng, toàn tỉnh đã giải ngân đạt 33% kế hoạch.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung phân tích nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; chia sẻ những kinh nghiệm trong việc chỉ đạo điều hành lĩnh vực đầu tư công. Cùng đó, đại diện các bộ, ngành cũng đề xuất các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm như: tiếp tục phối hợp với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; sử dụng vốn ứng trước từ quỹ hỗ trợ phát triển tại các địa phương để bố trí cho các dự án có khối lượng thực hiện cao và chưa được phân bổ vốn để đẩy nhanh tiến độ; tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến mỏ đất đắp, cung ứng vật liệu lâu dài cho các dự án…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác thực hiện đầu tư công và yêu cầu các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm túc “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” khi thực hiện các công trình, dự án, đó là: quyết tâm giữ vững kỷ luật kỷ cương, phòng chống tham những tiêu cực trong đầu tư xây dựng; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ; quyết tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc kịp thời phát sinh từ thực tiễn triển khai dự án; quyết tâm đổi mới phương pháp cách làm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; quyết tâm khắc phục hiện tượng đùn đẩy né tránh, sợ sai. “5 bảo đảm” gồm: bảo đảm đủ nguyên vật liệu; bảo đảm đủ nguồn nhân lực chất lượng có tâm, có tầm; bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân và nhà nước khi giải phóng mặt bằng; bảo đảm quản lý công trình dự án đúng quy định pháp luật và bảo đảm tiến độ chất lượng công trình đúng thiết kế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về lĩnh vực đầu tư công. Theo đó, các cơ quan đơn vị khẩn trương phân bổ đối với nguồn vốn đã giao chưa phân bổ; tăng cường kiểm tra giám sát hiện trường các dự án; phát huy vai trò của người đứng đầu trong quản lý lĩnh vực đầu tư công…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp tham mưu sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật liên quan; hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2024 giữa các bộ, ngành và địa phương; hướng dẫn các cơ quan xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công kế hoạch năm 2025. Các bộ, ngành và các địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…
Ý kiến ()