Thúc đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may
Mặc dù không phải là mùa cao điểm, nhưng quý I-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam (DMVN) đạt 7,62 tỷ USD. Kết quả này tạo đà để các doanh nghiệp (DN) dệt may bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực của các DN, cần sự vào cuộc mạnh mẽ cùng những chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa dệt may.
Nhiều tín hiệu khả quan
Năm 2018 được dự báo là năm khó khăn đối với ngành DMVN khi sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng khốc liệt, nhất là sự dịch chuyển đơn hàng sang những nước có mức giá cạnh tranh hơn Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, các DN đã tập trung phát triển đa dạng những mặt hàng xuất khẩu và bước đầu cho kết quả khả quan. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may có sự tăng trưởng tốt. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm đều có tốc độ tăng cao như: Mỹ tăng 18%, các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng hơn 20%, Xin-ga-po tăng 48%, tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước thuộc khối ASEAN. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng khá như áo thun, áo sơ-mi, giắc-két,… Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, ngoài tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ, tình hình đơn hàng của các DN cũng rất khả quan, nhiều DN đã nhận đơn hàng đến hết quý III. Với triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới và nhu cầu tiêu dùng tăng, chắc chắn mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu cả năm hơn 34 tỷ USD là khả thi.
Liên quan tới hoạt động sản xuất của DN, Phó Chủ tịch Hiệp hội may mặc tỉnh Bình Dương kiêm Giám đốc Công ty may Quốc tế Phan Lê Diễm Trang cho biết, tính đến hết quý I, tổng doanh thu của công ty đạt hơn 35 tỷ đồng (xuất khẩu đạt khoảng 1,2 triệu USD, tương đương 25 tỷ đồng). Bên cạnh tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu, hiện các DN đang gặp khó khăn, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, cả về giá cả và nguồn lao động, không chỉ giữa các DN cùng ngành, mà còn diễn ra với những DN khác ngành, các nước trong khu vực. Tương tự, Giám đốc Hành chính – Nhân sự, Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (đơn vị quản lý Công ty cổ phần May mặc Bình Dương) Nguyễn Hồng Anh khẳng định, quý I có thời gian nghỉ Tết dài ngày và không phải mùa cao điểm của ngành dệt may, nhưng với kết quả đạt được cho thấy mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 34 tỷ USD chắc chắn sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, muốn thực hiện được đòi hỏi DN phải triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa. Năm nay, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 64 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) và trong quý I đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 15 triệu USD (tương đương 332 tỷ đồng), chiếm khoảng 23,7% kế hoạch năm.
Triển vọng xuất khẩu dệt may được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, hiện tại, lượng đơn hàng vào thị trường Việt Nam khá nhiều đã giúp các DN không phải chịu nhiều áp lực về chuyện “cơm áo gạo tiền” như những năm trước, nhất là các DN lớn, số lượng đơn hàng trong năm cũng tăng do một số đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thực trạng đơn giá đang có xu hướng giảm và việc giảm giá ở nhiều khu vực thị trường sẽ tác động đến xuất khẩu của ngành DMVN; đồng thời việc nắm bắt cơ hội của CPTPP của DN Việt Nam thế nào khi các đơn vị dệt may trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa.
Bảo đảm sản phẩm chất lượng cao
Đánh giá tình hình thị trường xuất khẩu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, năm nay, ngành DMVN vẫn đặt mục tiêu cao, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tăng 10% so với năm 2017. Kết quả xuất khẩu trong quý I đang tương đối thuận lợi, khớp với kế hoạch. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, giải pháp cơ bản của ngành là tiếp tục sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn, giá cả hợp lý nhất. DMVN không đi theo hướng nhận đơn hàng giá rẻ nhất mà theo hướng giá hợp lý nhất với sự đòi hỏi về tay nghề và kỹ thuật cao. Giải pháp cho vấn đề này chính là đầu tư công nghệ phù hợp, tiếp tục nâng cao năng suất một cách đồng bộ, thông qua tay nghề của người lao động, hệ thống sản xuất, quản lý, tin học hóa trong quản trị và tự động hóa trong từng khâu sản xuất của ngành DMVN… Song song với đó, việc thực hiện cắt giảm các chi phí ngoài sản xuất của DN như: logistics, hải quan,… và nâng cao năng suất, giảm chi phí phải duy trì thường xuyên một cách hiệu quả, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Trong ba năm qua, tỷ giá đồng Việt Nam ổn định, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may khác có xu hướng hạ giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu. Do vậy, ngành DMVN đang chịu một áp lực kép tăng chi phí trong nước và áp lực đồng tiền tăng giá so với đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh. Nếu giải quyết được các vấn đề này, DN dệt may có thể tạo được lợi thế tốt hơn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi Việt Nam vừa tham gia CPTPP và sắp tới là Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EU) có hiệu lực,… sẽ mở ra những cơ hội để ngành DMVN đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa. Dù vậy, làm thế nào để các DN nắm bắt được cơ hội này lại là chuyện không đơn giản, bởi khi tham gia các hiệp định thương mại mới, hầu như chỉ có các công ty dệt may lớn, chủ yếu là các công ty nước ngoài với nguồn lực tài chính mạnh mẽ và hoạt động, tổ chức có hệ thống gặp thuận lợi trong việc hòa nhập, nắm bắt cơ hội. Ngược lại, các DN dệt may của Việt Nam, trong đó phần lớn là nhỏ và vừa, năng lực tài chính có hạn sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Các DN này chỉ có thể tiếp tục gia công lại cho các công ty nước ngoài, không có khả năng nhận đơn hàng trực tiếp và rất dễ để mất lao động. Chính vì vậy, khi các hiệp định quốc tế được ký, các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, cần có bước chuẩn bị tốt và có những chiến lược phát triển hợp lý nếu không muốn đối mặt nguy cơ đóng cửa, ngừng sản xuất.
Là một ngành xuất khẩu có nhiều lao động, ngành dệt may cũng như các ngành khác luôn gặp rất nhiều thách thức nếu chính sách về lao động, bảo hiểm, tiền lương không được giữ ổn định một cách lâu dài. Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương kiêm Giám đốc Công ty may Quốc tế Phan Lê Diễm Trang mạnh dạn đề xuất, Nhà nước nên cân nhắc, điều chỉnh sao cho hài hòa, đáp ứng đời sống người lao động, nhưng phải trong khả năng chi trả của DN. Những năm qua, đã có rất nhiều DN đóng cửa vì không thể có lợi nhuận do chi phí sản xuất ngày càng cao. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều cải cách về thủ tục, nhưng thực tế hiệu quả chưa cao, cần có các chính sách đơn giản, rõ ràng và xuyên suốt liên thông giữa các ban, ngành nhằm tránh tình trạng đúng được quy định ngành này lại vướng quy định ngành khác. Ngoài ra, cần quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp từng vùng miền để cân đối nguồn lao động, không cấp phép cho những ngành nghề sử dụng nhiều lao động khi khu vực họ dự định đầu tư thiếu lao động, dẫn đến việc cạnh tranh lao động không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến các DN đã hoạt động lâu năm. Chính phủ cùng các bộ, ngành cần nghiên cứu hỗ trợ cho DN mức vay ưu đãi để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan chính sách thuế, thủ tục hải quan, các loại phí, phụ phí; chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, về ưu đãi đầu tư tại khu công nghệ cao,… để DN yên tâm đầu tư và phát triển.
Trong quý I-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35%; tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 22,82%; giá trị thặng dư thương mại đạt 3,87 tỷ USD, tăng 3,69% so cùng kỳ. (Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam) |
Theo Nhandan
Ý kiến ()