Thúc đẩy cơ chế liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em
Ngày 19/4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động của Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp Ban Thư ký ASEAN và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo khu vực về thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong ASEAN.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam chủ trì trong Kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây khi đại dịch Covid-19 và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số đã làm gia tăng các hình thức xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến, gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Bên cạnh những khoảng trống về mặt pháp lý, nguồn lực, một trong những thách thức mà các nước thành viên ASEAN phải đối mặt trong việc thực hiện phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em là cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bên liên quan. Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt giữa ngành giáo dục, y tế, tư pháp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, dẫn đến chưa huy động được sức mạnh của các ngành, các cấp vào công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Báo cáo “Hành động để chấm dứt xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em” của UNICEF cho thấy, hằng năm, có hàng triệu trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó, cứ 20 trẻ em gái từ 15 đến 19 thì có 1 trẻ em gái đã từng bị xâm hại tình dục. Vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây khi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số đã làm gia tăng các hình thức xâm tình dục trẻ em.
Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ, có thể kéo dài nhiều năm trong cuộc đời. Bên cạnh đó, trẻ em đã từng bị xâm hại tình dục cũng có nguy cơ cao bị xâm hại lại trong tương lai và có thể trở thành những kẻ xâm hại trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hoan nghênh những sáng kiến để thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em, từ đó, tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, cùng nhau xây dựng một khu vực ASEAN phát triển, lấy con người là trung tâm, lấy đầu tư cho trẻ em là động lực phát triển bảo đảm gắn kết và chủ động thích ứng.
Đồng thời, cũng đánh giá cao những nỗ lực của các Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC) và Ban Thư ký ASEAN, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cũng như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức phi chính phủ và dân sự nhằm bảo đảm rằng mỗi trẻ em sẽ được hưởng đầy đủ các quyền như đã được quy định trong Công ước về quyền trẻ em, vì một Cộng đồng ASEAN không bỏ ai lại phía sau.
Tại Hội thảo, đại biểu các nước được cập nhật tổng quan về tình hình và tác động của xâm hại tình dục đối với trẻ em trong ASEAN và trên thế giới, những sáng kiến của ASEAN nhằm giải quyết xâm hại tình dục đối với trẻ em trong thời gian qua. Đồng thời, các nước thành viên ASEAN cũng đã chia sẻ về khung chính sách và điển hình tốt về giải quyết xâm hại tình dục đối với trẻ em ở cấp quốc gia, từ đó, đưa ra những khuyến nghị để cải thiện việc thực hiện trong thời gian tới…
Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) được thành lập vào ngày 7/4/2010 tại Hà Nội (Việt Nam), nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16. Theo đó, Ủy ban ACWC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy, bảo vệ, tôn trọng và thực thi các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN để họ được sống hòa bình, bình đẳng, công bằng và thịnh vượng. ACWC bao gồm 20 đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN về quyền phụ nữ và quyền trẻ em, trong đó, mỗi nước cử 2 đại diện. Mỗi đại diện ACWC phục vụ nhiệm kỳ 3 năm và có thể được bổ nhiệm lại cho nhiệm kỳ thứ hai. ACWC họp định kỳ 2 lần/năm. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()