Thúc đẩy chăn nuôi trang trại gắn với an toàn sinh học
Số lượng trang trại chăn nuôi lợn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học. |
Tổng đàn giảm 7%
Ngày 13/9, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019. Do bệnh bệnh này chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết cao nên đã khiến tổng đàn lợn của nước ta đến nay giảm khoảng 7%.
Hiện thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp kịp thời nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020. Nhưng có tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả lợn Châu Phi, như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam …
“Số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35 – 40%. Đây là những tín hiệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học thích ứng với bệnh dịch tả lợn Châu Phi”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, Bộ sẽ nghiên cứu các phương án để thúc đẩy nhiều hơn nữa hình thức liên kết chăn nuôi theo một chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y….) cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm). Hình thức này thường được liên kết giữa các doanh nghiệp, công ty sản xuất chăn nuôi vừa và lớn (liên kết dọc). Chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết chuỗi khép kín sẽ cho ra những sản phẩm không những truy xuất rõ được nguồn gốc mà đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tối ưu.
Các sản phẩm thịt theo quy trình chăn nuôi, giết mổ, đóng gói khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Tái đàn gắn với an toàn sinh học
Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra con số: “Nếu như năm 2016 cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, chiếm tỷ lệ 6,6% sang năm 2017 số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước tăng lên gần 2.500 trang trại (tăng 15,6%) và chiếm tỷ lệ 24,4% với tổng đàn còn là xấp xỉ 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,3%”.
Số liệu thống kê mới nhất năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.
Qua đó, có thể nhận thấy xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn… được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đối với hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, năm 2016 cả nước có gần 29.000 hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 10%. Đến năm 2018, số hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước giảm xuống còn xấp xỉ 28.000 hộ, chiếm tỷ lệ 11,1% số hộ chăn nuôi lợn cả nước và tổng đầu đàn con trên 373.000 con, chiếm tỷ lệ 10%.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, số lượng hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học và tổng số đầu con năm 2017 và 2018 giảm so với năm 2016, song tỷ lệ hộ chăn nuôi và tỷ lệ tổng đàn lợn ổn định và có biểu hiện tăng nhẹ. Điều này phù hợp với xu thế là số lượng hộ chăn nuôi ngày càng thu hẹp và quy mô chăn nuôi ngày càng tăng lên./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()