Thúc đẩy chăn nuôi phát triển
LSO-Trong những năm qua, các loại hình dịch vụ thú y trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tiễn chăn nuôi, dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm mở rộng và nâng cao hiệu quả của loại hình dịch vụ này.
Kiểm kê thuốc tại cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên đường Yết Kiêu, thành phố Lạng Sơn |
Cơ sở chăn nuôi Cường Hạnh (Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Kiên) có quy mô khá lớn trên địa bàn xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Với quy mô từ 5.000 đến 8.000 con gà mỗi đợt nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh được chủ cơ sở đặc biệt coi trọng.
Chị Hoàng Thị Hạnh, chủ cơ sở cho biết: để hạn chế đến mức tối đa xảy ra dịch bệnh, chúng tôi đã ký hợp đồng kiểm dịch với Trạm Thú y thành phố. Với bản hợp đồng này, cơ quan thú y vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch đầu vào và khi xuất chuồng, đồng thời phun khử trùng định kỳ và tư vấn, hỗ trợ phòng dịch bệnh.
Đó là một trong những loại hình dịch vụ thú y mới hình thành trong những năm gần đây, khi các mô hình chăn nuôi ngày một lớn hơn, nhu cầu về phòng chống dịch bệnh ngày càng cao hơn.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y đánh giá: hệ thống cung ứng dịch vụ công về thú y trong những năm qua đã từng bước được củng cố để phục vụ sự phát triển của ngành chăn nuôi. Việc cung cấp các dịch vụ thú y trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan nhà nước thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 115 cán bộ làm công tác thú y được phân bố tại 11 huyện, thành phố, 266 nhân viên thú y cấp xã, làm việc tại 217 xã, phường, thị trấn. Những cán bộ này chủ yếu tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong những năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được triển khai tương đối tốt. Tỷ lệ tiêm phòng trung bình hằng năm đạt cao.
Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản như vậy, tính ràng buộc chưa thực sự chặt chẽ. Ở các tỉnh miền xuôi, các cơ sở chăn nuôi thường ký hợp đồng với cơ quan thú y một cách toàn diện. Có nghĩa là thú y lo toàn bộ việc phòng, chống dịch bệnh từ lúc gây đàn đến lúc xuất chuồng, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên một cách chặt chẽ.
Các loại hình dịch vụ thú y khác như thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cung ứng giống vật nuôi… cũng có bước phát triển nhưng quy mô rất nhỏ lẻ. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 1,1 nghìn cơ sở cung ứng các dịch vụ này. Trong đó có 14 cơ sở cung ứng giống vật nuôi; 350 cơ sở cung ứng thức ăn chăn nuôi; 169 điểm cung ứng thuốc thú y và 612 cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, theo đánh giá, hầu hết các cơ sở này chỉ mang tính chất quy mô hộ gia đình, giá cả dịch vụ còn cao, hệ thống các điểm phân phối chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm…
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ nông nghiệp, trong đó có dịch vụ thú y, hiện nay ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai đề án nâng cao hiệu quả dịch vụ nông nghiệp thời kỳ 2016-2020.
Trong đó, đối với dịch vụ thú y, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường quản lý kinh doanh dịch vụ thú y, nâng cao năng lực nhân viên thú y… thì điểm nhấn quan trọng là thực hiện nâng cao công tác đánh giá chất lượng dịch vụ thú y thông qua đánh giá của người sử dụng dịch vụ (hộ chăn nuôi) đối với cơ quan cung cấp dịch vụ của nhà nước và các cơ sở tư nhân cung cấp dịch vụ nhằm cải thiện thái độ phục vụ của các đơn vị cung cấp, nâng cấp chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người chăn nuôi.
Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, để có thể tận dụng được các tiềm năng ấy, nâng cao hiệu quả, giá trị trong chăn nuôi thì việc nâng cao hiệu quả dịch vụ thú y là một trong những yếu tố quan trọng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()