Thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học
Thời gian qua, các trường đại học tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng xây dựng, triển khai các nhóm nghiên cứu mạnh với thiết chế, tiêu chí cụ thể. Kết quả, các giảng viên, nhà khoa học có môi trường cống hiến, sáng tạo, từng bước liên kết các trường, viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Nhóm nghiên cứu mạnh là nhóm tập hợp nhiều nhà khoa học đầu tàu trong một lĩnh vực, có hướng nghiên cứu chuyên sâu, có mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt và có nhiều công bố hoặc các bài báo công bố tốt, có chỉ số ảnh hưởng cao. Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng làm nên các nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường đại học thời gian qua là thu hút được những người đứng đầu thật sự nổi trội về năng lực khoa học, có khả năng tập hợp, điều tiết nhóm nghiên cứu. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, giao quyền chủ động cho các nhóm đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học trong các trường đại học.
PGS, TS Vũ Ngọc Pi, Trưởng nhóm nghiên cứu tối ưu hóa trong thiết kế và gia công cơ khí, Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp (Ðại học Thái Nguyên) được ghi nhận là nhà giáo tiêu biểu trong giảng dạy, nghiên cứu; có nhiều công bố xuất sắc, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và gắn kết hiệu quả doanh nghiệp trong đào tạo, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Thầy Vũ Ngọc Pi cho biết, năm 2018, nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành, chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Ðáng chú ý, các thành viên trong nhóm không phải trong một trường đại học. Hiện nay, nhóm có hơn 20 thành viên (gồm 10 tiến sĩ và các phó giáo sư) là giảng viên trong trường và giảng viên đến từ Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học Ðiện lực. Qua thực tế, hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm khoa học thường rất tốn thời gian. Nếu ai đó đang sử dụng thiết bị, máy móc chung của trường thì người khác phải chờ trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng để đến lượt. Vì vậy, nhóm quyết tâm đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm riêng. Toàn bộ kinh phí hoạt động do các cá nhân trong nhóm đầu tư hiện đại, gồm máy phay CNC, máy tiện CNC, máy gia công cắt dây tia lửa điện để thuận lợi trong việc nghiên cứu. Ðể tạo động lực, sức mạnh tập thể, nhóm có chế độ riêng động viên các nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh. Theo đó, học viên cao học không phải đóng tiền làm thí nghiệm, được sử dụng máy móc miễn phí; các nghiên cứu sinh tham gia làm thí nghiệm được hỗ trợ tiền công bồi dưỡng cho nên mọi người tham gia phấn khởi, tích cực. Trong thời gian qua, nhóm đã thực hiện thành công một số đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và gần 20 đề tài cấp cơ sở, phần lớn các đề tài đều phục vụ cho khoa học, sản xuất. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, nhóm cũng đào tạo được hai nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp, năm thạc sĩ; sáu nghiên cứu sinh đang làm việc được nhóm hỗ trợ miễn phí. “Mặc dù số tiền đầu tư làm phòng thí nghiệm chưa biết khi nào thu hồi đủ, nhưng nếu không đầu tư thì sẽ không làm được cho nên phải quyết tâm”, PGS, TS Vũ Ngọc Pi chia sẻ.
TS Chử Mạnh Hưng, đại diện nhóm nghiên cứu mạnh, Viện Ðào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, bên cạnh chính sách khoa học, công nghệ của trường, nhóm chủ động tìm kiếm đề tài, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp. Việc chủ động tìm kiếm đề tài đã giúp giảng viên năng động hơn. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có những đề tài đột xuất, các giảng viên đã tìm hiểu, xem nhóm nghiên cứu của mình phù hợp như thế nào, từ đó chủ động, phối hợp thực hiện…
Theo GS, TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Ðại học Thái Nguyên, việc có chủ trương xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học mở đầu cho các trường có điều kiện xây dựng, phát triển nghiên cứu khoa học. Ðại học Thái Nguyên đã ấp ủ nội dung này từ khá lâu, đến nay, có một số nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành, đang hướng đến một tiêu chuẩn cao hơn. Kết quả điển hình là nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên (nghiên cứu về sinh học phân tử) của liên Trường đại học Khoa học và Trường đại học Y dược (Ðại học Thái Nguyên) đã sản xuất được bộ xét nghiệm Covid-19, được Bộ Y tế kiểm định và ứng dụng vào sản xuất. Nhóm nghiên cứu mạnh thứ hai là nhóm nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao gắn với sinh thái môi trường, có 21 sáng chế được công nhận…
Trong khi đó, theo PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, ba năm trở lại đây, nhà trường xây dựng chính sách hỗ trợ các giảng viên, có thể có kết quả ngay hoặc chuyển giao cho các công ty, tập đoàn trong nước và quốc tế. Thông qua các quỹ khác nhau, nhà trường tìm cách hỗ trợ các giảng viên, nhà khoa học có ý tưởng, đề tài xuất sắc, theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, có cơ chế giúp giảng viên phát huy tốt nhất những ý tưởng, nghiên cứu, có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả hơn. Trường đại học Bách khoa là cơ sở vừa đào tạo vừa nghiên cứu. Vì vậy, nhà trường luôn khuyến khích các giảng viên thực hiện đề tài nghiên cứu ở các bộ, ban, ngành, thành phố; đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp. Việc hợp tác chặt chẽ giúp các giảng viên nhìn rõ hơn, sát hơn thị trường, từ đó có tư duy cần làm nghiên cứu như thế nào để ra kết quả, áp dụng trong thị trường. Vì vậy, việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh không chỉ ở một trường đại học mà cần phối hợp liên trường để chuyển giao khoa học, công nghệ cũng như tạo ra sản phẩm đặc thù, hữu ích.
Ý kiến ()