Thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng
Ngày 4/2, sau khi kiểm tra công tác thi công các dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 và cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu qua địa phận các tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An, thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp kiểm điểm tiến độ Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài là 652,86 km, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư. Hiện có 7/11 dự án đang cơ bản đáp ứng tiến độ; 4/11 dự án chưa đáp ứng tiến độ (Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây). Trong đó, có 1/11 dự án đã hoàn thành (Cao Bồ-Mai Sơn), dự kiến 1/11 dự án chậm tiến độ so với kế hoạch và 9/11 dự án còn lại phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An có 5 dự án đường bộ cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 gồm: Tuyến cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt. Trong đó dự án Cao Bồ-Mai Sơn đã khánh thành; dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 đạt 59% tiến độ và các dự án còn lại đạt từ 10-14%, riêng dự án Diễn Châu-Bãi Vọt mới đạt 1,5%.
Tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải và đại diện các bộ ngành, địa phương đã tập trung phân tích các nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ. Ngoài tác động từ đại dịch Covid-19 và thiên tai, mưa lũ, một phần nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng; một số chủ đầu tư dự án PPP chưa ký hợp đồng tín dụng; một số nhà thầu yếu kém về năng lực…
Đặc biệt, các ý kiến tại cuộc họp và thực tế kiểm tra sáng cùng ngày cho thấy việc cung ứng vật liệu, nhất là mỏ đất phục vụ san lấp, xây lắp đường… còn có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải gấp rút triển khai xây dựng, thúc đẩy các dự án thành phần khác thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoàn thành đúng tiến độ.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp nền đường. Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, các vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp nền đường đã cơ bản được tháo gỡ, hiện còn thiếu hụt khoảng 15 triệu m3 đất đắp tại 5 dự án thành phần (Diễn Châu-Bãi Vọt (Nghệ An); Nha Trang-Cam Lâm; Cam Lâm-Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Phan Thiết-Dầu Giây (Đồng Nai)) do các địa phương đang làm các thủ tục cấp phép và một số nhà thầu chưa chủ động tìm nguồn vật liệu thi công.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có 3 công điện và 4 thông báo kết luận về vấn đề giải phóng mặt bằng. Hiện nay chỉ còn khoảng 0,453 km/652,86 km toàn tuyến, tập trung ở địa bàn tỉnh Nghệ An (khoảng hơn 0,3 km).
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao trong năm 2021 dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Giao thông vận tải đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ bản các quy hoạch giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không; cơ bản hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công; cùng các địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân ổn định cuộc sống…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, tập trung chỉ đạo, để thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tránh khiếu kiện của người dân. Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định, thể chế, cơ chế, chính sách qua thực tiễn điều hành.
Các chủ đầu tư phải đa dạng hóa các nhà tư vấn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, có tư vấn tốt thì mới có dự án tốt, công trình tốt. Các ban quản lý dự án phải rút kinh nghiệm, tính toán, tổ chức thực hiện dự án hợp lý, hiệu quả, theo đúng quy định, tránh tiêu cực, tránh tình trạng quá nhiều nhà thầu tham gia dẫn tới lặt vặt, manh mún, kéo dài. Các nhà thầu cần nâng cao năng lực, bảo đảm nghiêm túc về kỹ thuật, tiến độ, chất lượng dự án. Các địa phương phải làm tốt công tác quản lý các mỏ vật liệu, rà soát lại, chấn chỉnh ngay nếu việc giao các mỏ vật liệu không đúng; bảo đảm mặt bằng thi công; đồng thời quy hoạch, khai thác hiệu quả nhất không gian phát triển mới từ các tuyến đường.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng lòng, ủng hộ các dự án; ai vi phạm phải xử lý nghiêm.
Thủ tướng mong muốn các chủ thể, mỗi người cùng cố gắng, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết để giải quyết công việc, không lợi dụng chính sách để trục lợi, không làm méo mó chủ trương, chính sách, đường lối rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu với các địa phương tiếp tục tổ chức và vận động nhân dân tích cực tham gia chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình để đạt mục tiêu đã đề ra.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, qua kiểm tra thực tế và làm việc, có hai vấn đề nổi lên cần giải quyết liên quan tới các dự án cao tốc. Vấn đề thứ nhất là mỏ vật liệu thông thường cho các dự án cao tốc. Hiện theo quy định, các cơ quan chức năng giao các mỏ này cho các thể nhân và pháp nhân đáp ứng đủ điều kiện, nhưng thực tiễn kiểm tra cho thấy pháp nhân được giao rất ít mà chủ yếu là giao cho thể nhân. Điều này không sai so với quy định, nhưng đã nảy sinh vướng mắc lớn khi nhiều thể nhân găm hàng vật liệu trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực.
Theo Thủ tướng, các nghị quyết của Chính phủ đã giải quyết được một phần vấn đề nhưng chưa giải quyết được tận gốc. Việc này có lỗi của cơ quan nhà nước đã không kiểm tra, giám sát tổng thể, toàn diện, quyết liệt để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định liên quan, cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung làm đúng tinh thần Nghị quyết 60 và 133 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định, quy định nào không sát thực tiễn cuộc sống thì phải đề xuất sửa ngay. Không để đất, đá, sỏi, cát thuộc sở hữu toàn dân nhưng do cách quản lý không tốt khiến thất thoát tài sản, giá trị chênh lệch rơi vào túi tư nhân, không để thêm một khâu trung gian nữa cản trở sự phát triển, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, chống tiêu cực, tham nhũng. Các địa phương kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cùng các nhà thầu, các chủ đầu tư bám sát thực tế, báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vướng mắc.
Vấn đề thứ hai liên quan tới khâu giải phóng mặt bằng. Muốn giải phóng mặt bằng tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thời có chính sách đền bù thỏa đáng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đã nhường mặt bằng cho các dự án.
Phải kiểm tra, rà soát lại để thực hiện bằng được chủ trương của Đảng, Nhà nước là bảo đảm người dân tại nơi ở mới có đời sống có bằng hoặc hơn nơi ở cũ, hướng tới cuộc sống năm sau phải hơn năm trước, nếu kém hơn thì phải có giải pháp ngay. “Không phải người dân bàn giao mặt bằng xong, vỗ tay, hoan hô là hết trách nhiệm với người dân”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh, có như vậy, người dân mới tin tưởng và tiếp tục ủng hộ các dự án khác trong tương lai.
Ý kiến ()