Thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội
Đối với vấn đề sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật. Ngoài 8 lĩnh vực đang được điều chỉnh theo luật hiện hành, Luật Bình đẳng giới cần mở rộng phạm vi điều chỉnh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, tránh tình trạng không thống nhất giữa quy định của pháp luật về bình đẳng giới với các văn bản luật chuyên ngành.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu ý kiến. |
Nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật, làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách-pháp luật về Bình đẳng giới, ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh, sau 15 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới 2007 đã góp phần tăng cường nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cơ quan chức năng và xã hội về bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc và bất cập từ các quy định của luật cũng như thực tiễn thi hành luật, cần được nghiên cứu bổ sung nhằm bảo đảm tính đồng bộ và hiệu lực thực thi. Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều tiến bộ về thu hẹp khoảng cách giới, nhưng trong một số lĩnh vực như lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản.
Trong đó, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tăng (chiếm 28%) nhưng phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm phụ nữ yếu thế, chịu bất lợi kép như phụ nữ dân tộc thiểu số, khuyết tật, nông thôn đơn thân, phụ nữ di cư… Công việc chăm sóc không được trả lương và việc nhà phần lớn nam giới sẽ không chia sẻ với phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ phần lớn là nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình. Mất cân bằng giới khi sinh cũng là vấn đề nghiêm trọng, phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới, chưa có giải pháp hiệu quả…
Toàn cảnh hội nghị. |
Theo Báo cáo kết quả 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cấp Hội đã tích cực tham gia giám sát việc thực thi pháp luật và thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, trong đó chủ trì thực hiện được hơn 13.767 đợt giám sát; tham gia/phối hợp thực hiện hơn 9.150 đoàn giám sát liên ngành. Giai đoạn 2007-2021, thông qua giám sát, Hội đã phát hiện gần 15 nghìn vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết được hơn 11.485 vụ việc.
Các cấp Hội tập trung phản biện xã hội các dự thảo luật, dự thảo văn bản quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã được tiếp thu, góp phần làm cho hệ thống chính sách về bình đẳng giới, chính sách dành cho phụ nữ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.
Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Bình đẳng giới luôn là thế mạnh của hội, thông qua các hình thức thông tin, tuyên truyền, mô hình. Ngay khi Luật Bình đẳng giới được thông qua, Hội đã tập trung biên soạn và cung cấp nhiều loại tài liệu hướng dẫn, phổ biến Luật Bình đẳng giới đến các nhóm đối tượng khác nhau, gồm: 2.000 Sổ tay tuyên truyền Luật Bình đẳng giới dành cho báo cáo viên; 6.500 cuốn Hỏi và đáp về Luật Bình đẳng giới; 46.000 tờ gấp về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội…
Các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý. Xác định để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bền vững, nhất là đối với phụ nữ yếu thế thì việc hỗ trợ chị em tham gia vào các loại hình doanh nghiệp và liên kết để thành lập các Hợp tác xã/Tổ hợp tác là một yếu tố quan trọng.
Đối với vấn đề sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật. Ngoài 8 lĩnh vực đang được điều chỉnh theo luật hiện hành, Luật Bình đẳng giới cần mở rộng phạm vi điều chỉnh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, như: tư pháp, môi trường, tôn giáo…, tránh tình trạng không thống nhất giữa quy định của pháp luật về bình đẳng giới với các văn bản luật chuyên ngành, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới.
Nghiên cứu, mở rộng khái niệm giới, bình đẳng giới phù hợp với thực tiễn, bảo đảm có tính đến các xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới, bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng trong cùng một giới và bình đẳng giữa các biểu hiện giới khác nhau.
Đồng thời, nghiên cứu, làm rõ định nghĩa/khái niệm bạo lực trên cơ sở giới, hành vi bạo lực trên cơ sở giới và hành vi có hại cho bình đẳng giới, giúp cho các quy định việc áp dụng quy định và xử lý vi phạm chính xác, đầy đủ, nhất là bạo lực trên cơ sở giới đối với các nhóm yếu thế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá một cách toàn diện kết quả 15 năm thực hiện trách nhiệm của Hội theo quy định của Luật; chỉ ra những bất cập trong các quy định cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, để làm cơ sở đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật nói riêng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nói chung. Đồng thời chia sẻ bài học, kinh nghiệm triển khai thực hiện Luật dưới nhiều góc độ, nhiều nhiệm vụ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trong cả nước; lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tổ chức quốc tế.
Ý kiến ()