Thực chất việc huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ
Tại Nghị quyết số 01 vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng, ngoại tệ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có dẫn giải cụ thể hơn về quan điểm này.
Theo Thủ tướng, huy động ở đây cần được hiểu là có cơ chế chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, người dân đưa tiền ra sản xuất kinh doanh.
Điều này hoàn toàn khác với cách hiểu rằng huy động là ngân hàng hoặc Nhà nước đi vay vàng và ngoại tệ, thông qua nghiệp vụ huy động – cho vay trước đây của các ngân hàng thương mại.
“Chúng ta biết rõ tiền nằm trong dân. Anh làm sao giữ được giá trị đồng tiền, để tiền trong dân đổ ra, họ đầu tư, họ làm ăn, họ tin tưởng được. Không phải là tôi mượn của anh, tôi đưa vào ngân hàng. Đó là một số người hiểu lầm”, Thủ tướng nói.
Nói thêm về quan điểm phát triển, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT cần khơi nguồn cho các ý tưởng đột phá về cải cách, tham mưu cho Chính phủ về việc tháo gỡ các nút thắt cho sự phát triển.
Bộ KH&ĐT trước tiên phải là bộ thực hiện chức năng xây dựng thể chế, hoạch định chiến lược, giữ ổn định vĩ mô, khơi nguồn cảm hứng, tạo nguồn động lực mạnh cho đổi mới sáng tạo, phá bỏ các cản trở phát triển, nâng cao năng lực của nền kinh tế.
Thực tế trong năm qua, Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả trong việc huy động nguồn lực trong dân theo hướng nói trên.
Riêng với ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng lớn ngoại tệ trong năm 2016, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục, đạt khoảng 41 tỷ USD.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2016, lượng tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm mạnh, ước giảm khoảng 7% so với cuối 2015. Tỷ trọng vốn ngoại tệ trong tổng vốn huy động toàn hệ thống theo đó cũng giảm đáng kể trong năm 2016, xuống còn khoảng 10,5%, từ mức 12,9% năm 2015.
Ngược lại, huy động VND của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng rất cao năm qua, ước đạt tới 23% và gia tăng tỷ trọng lên 89,5% tổng vốn huy động, từ mức 87,1% cuối năm 2015.
Giá trị VND, ngoại trừ biến động mạnh 2015, luôn được giữ ổn định với khoảng biến động chỉ từ 1-2% mỗi năm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chênh lệch lãi suất có lợi cho việc nắm giữ VND…
Nhìn rộng hơn, cho đến nay, mức vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm 2016 đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%).
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt kết quả bước đầu, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường tăng lên. Môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 82/190 toàn cầu, tăng 9 bậc so với năm 2015.
Năm 2016, lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()