Thức ăn đường phố - nguy cơ trong sự tiện lợi
LSO-Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn ngay, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên vỉa hè, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự, phổ biến hơn cả là ở thành phố Lạng Sơn.
Bán phở xe đẩy tại khu vực chợ Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn |
Thức ăn đường phố có lợi thế nhất định là sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Khi người dân, có cả cán bộ công chức viên chức và học sinh rẽ vào các quán ăn ven đường Hoàng Văn Thụ, hay sà vào các gánh hàng rong bên cổng trường Mầm non 19/5, phường Chi Lăng… ăn bún, phở, cháo, cái bánh bao, bánh mỳ…thì người ta chỉ tính đến yếu tố giá cả và thời gian mà ít ai hỏi xuất xứ thịt mua ở đâu, bánh bún phở lấy từ nơi nào, bánh mỳ ở lò nào…Đơn giản hơn, các chủ quầy hàng tại chợ Giếng Vuông khi vừa sắp xếp hàng hóa cho một ngày kinh doanh mới, vừa ới gọi bát bún từ chiếc xe đẩy sắp rẽ vào cổng chợ, chị Tươi, một chủ quầy quần áo trẻ em nói với chúng tôi: “Xe bún đẩy này đã quá quen thuộc với các chị em ở đây rồi. Bát bún 15 ngàn đồng mà đầy và ngon như bát bún 20 ngàn ở quán… Điều quan trọng nhất là vừa ăn vừa trông hàng, bán hàng”. Như vậy, sự tiện lợi của nó làm cho người ta quên đi những ý nghĩ không vui rằng bún, thịt được lấy ở đâu; họ chế biến như thế nào và cái xe đẩy bé tẹo chứa hàng chục thứ từ đồ ăn đến dụng cụ thì liệu có bị nhiễm khuẩn gây hại hay không. Cái xe đẩy đó đi qua hàng chục tuyến phố với sự đậy điệm sơ sài như vậy liệu có an toàn?
Ngày 5/12/2012, Bộ Y tế có Thông tư số 30/2012-BYT Quy định về điều kiện vệ sinh ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thông tư quy định rõ người kinh doanh thức ăn đường phố phải có các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm; các quy định về dụng cụ hành nghề, vị trí kinh doanh, sức khỏe của người kinh doanh…Triển khai Thông tư, Chi cục vệ sinh ATTP đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Theo kế hoạch này, trong 2 năm 2013 và 2014 sẽ thực hiện các công việc như thông tin truyền thông giáo dục, tập huấn ATTP, khám sức khỏe cho người kinh doanh thức ăn đường phố; xây dựng mô hình điểm kiểm soát thức ăn đường phố tại tất cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh; kiểm tra, đánh giá hiệu quả của công tác bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh này. Kế hoạch là như vậy và các địa phương đã cố gắng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, công tác tuyên truyền vệ sinh ATTP đối với loại hình thức ăn đường phố vẫn còn nhiều hạn chế. Trò chuyện với chị Hằng bán bún rong trên xe đẩy khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, chị giãi bày rằng ở dưới Bắc Giang lên Lạng Sơn làm ăn, trước đây đi thu đồng nát, sắt vụn, sau đó phục vụ cho một quán phở, chẳng biết nguyên nhân tại đâu chị đột nhiên bị đuổi việc. Nếu về quê chỉ trông vào 2 sào lúa thì không đủ tiền nuôi con đang học Cao đẳng, chị bèn nghĩ cách làm bún xe đẩy với kinh nghiệm học mót trong quán phở. Chân giò mua ở quầy thịt chợ Chi Lăng và chế biến tại nơi trọ từ chiều hôm trước, bún, phở thì mua với các bà tại quán trong chợ với số lượng dăm cân mỗi buổi…Khi được hỏi về tập huấn vệ sinh ATTP, chị nói rằng, thực phẩm của tôi ít nên cần gì hóa đơn, nếu mấy ông ấy muốn “truy” thì tôi dẫn đến quầy thịt trong chợ; vấn đề vệ sinh cam đoan là đảm bảo, ai bị đau bụng cứ đến bắt đền tôi, sức khỏe thì chú thấy đấy, mỗi ngày đẩy xe đi hàng chục cây số, yếu thì làm sao mà làm được…
Như vậy, từ người bán đến người mua đều coi trọng tính tiện lợi, giá cả mà quên đi tính an toàn của thực phẩm đường phố. Trong loại hình này, những chiếc xe đẩy, những gánh hàng rong có nguy cơ mất an toàn cao hơn những quầy tại các điểm bán cố định, song lại khó kiểm soát hơn. Làm việc với chúng tôi, bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh ATTP tỉnh cho biết, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP (15/4-15/5) năm nay có chủ đề “ATTP thức ăn đường phố”, kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành cấp tỉnh là song song với tuyên truyền sâu, thanh kiểm tra thành nhiều đợt, có định kỳ và có đột xuất, trong đó có cả việc lấy mẫu để kiểm tra nhanh, xử lý các vi phạm, thì việc nắm và tổ chức cho người làm việc ở loại hình này được tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP, những quy định của pháp luật về điều kiện vệ sinh ATTP thức ăn đường phố và cho họ ký cam kết đảm bảo thực hiện đúng các quy định có ý nghĩa quan trọng trong quản lý, kiểm soát vệ sinh ATTP. Đây là vấn đề khó khăn, nhất là đối với các xe đẩy, gánh hàng rong; song tin rằng với trách nhiệm của các địa phương, trật tự về thức ăn đường phố ở Lạng Sơn (nhất là thành phố Lạng Sơn) sẽ đi vào nền nếp, loại trừ có hiệu quả tình hình ngộ độc thực phẩm do loại hình này gây ra.
MINH HỒNG
Ý kiến ()