Thuận Thành tạo động lực thực hiện “mục tiêu kép”
Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) luôn coi trọng tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, đưa huyện trở thành một trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, mục tiêu trên đặt ra những thách thức, yêu cầu mới đòi hỏi phải vượt qua trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đột phá từ cải cách hành chính
Vừa bảo đảm phòng, chống đại dịch đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy chính quyền các cấp toàn huyện Thuận Thành tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò lãnh đạo, tính nêu gương của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.
Huyện tập trung vào khâu đột phá xây dựng nền hành chính của địa phương thật sự dân chủ, trong sạch và chuyên nghiệp gắn liền mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước ở địa phương hoạt động tích cực, hiệu quả. Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc đổi mới tác phong làm việc, giao tiếp với tổ chức, công dân. Gắn liền quá trình tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức ở huyện hằng năm được thực hiện công khai, minh bạch, dựa trên năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tiếp thu ý kiến đóng góp của tổ chức, công dân.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương cho biết: Từng đồng chí cấp ủy viên hướng mạnh về cơ sở, giải quyết các vấn đề từ cơ sở. Khảo sát thực tế cho thấy, việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính trong toàn huyện được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và niêm yết đầy đủ tại nơi thuận tiện để cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện. Gắn liền với đó là có cơ chế giám sát của các đoàn thể và công dân với lĩnh vực này.
Thị trấn Hồ, địa bàn có khu công nghiệp, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính không ngừng tăng. Từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Hồ tiếp nhận, giải quyết hơn 800 hồ sơ hành chính các loại. Do tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận hành cơ chế một cửa liên thông huyện đã tạo lập được đầu mối chung quản lý, vận hành thống nhất, hiện đại trên địa bàn.
Nhờ đó, năm 2021, thị trấn Hồ thực hiện giải quyết khoảng 10 nghìn thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 100%. Hầu hết các thủ tục hành chính như chứng thực, hộ tịch… quy định giải quyết từ 1 đến 2 ngày, thì nay người dân có thể được nhận kết quả ngay. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn ngày càng cao, qua đó tạo thiện cảm và niềm tin cho người dân đối với chính quyền khi đến giao dịch.
Gắn liền với đó, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quy chế, chế độ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Năm 2021, cấp huyện đã tiếp 224 lượt công dân, phản ánh 256 vụ việc; trong đó, tại Trụ sở Tiếp công dân huyện tiếp 131 lượt, kiến nghị, phản ánh 161 vụ việc. Cùng năm, huyện đã tiếp nhận 150 đơn, trong đó, có 30 đơn thuộc thẩm quyền cấp huyện, đã giải quyết 27/30 đơn đạt tỷ lệ 90%.
Quá trình giám sát, kiểm tra thực thi công vụ ở Thuận Thành được gắn liền giáo dục, sàng lọc nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn hóa cao, làm việc theo lề lối, chuẩn mực nhằm kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh của công dân đúng quy định, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đỗ Đình Hảo trao đổi. Hiệu quả từ công tác này ở Thuận Thành đã góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển.
Phát triển sản xuất gắn liền bảo đảm an sinh
Thực tế ghi nhận hai năm qua, Thuận Thành đã có nhiều quyết sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy hiệu quả nguồn lực cho phát triển nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải nhìn nhận, các giải pháp được các cấp ủy, chính quyền toàn huyện dồn sức thực hiện hiệu quả là phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm; chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng được đổi mới theo hướng phù hợp.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, cùng với bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện lãnh đạo tập trung các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Lĩnh vực trồng trọt được huyện quan tâm đầu tư từ khâu quy hoạch; về giống; việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật; cơ giới hóa sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng sinh thái, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Quá trình này cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp có nhiều giải pháp, hình thành các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình. Tại xã An Bình thành lập hợp tác xã sản xuất rau sạch với bảy thành viên tham gia. Huyện chỉ đạo, hỗ trợ duy trì hoạt động hiệu quả của tổ liên kết rau sạch tại thôn Nội Trung, xã Nghĩa Đạo, tổ liên kết làm đậu tại thôn Trà Lâm, xã Trí Quả, nem Bùi xã Ninh Xá. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện vào cuộc, tiếp tục đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Đông Á, Quỹ TYM Bắc Ninh cho 7.676 hộ nông dân vay với tổng dư nợ hơn 230 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng vận động được 2.645 hội viên có điều kiện kinh tế giúp 596 lượt hội viên phụ nữ nghèo với số tiền hàng chục tỷ đồng để sản xuất, tạo thu nhập.
Gắn liền chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương hướng mạnh vào phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Huyện chủ động nghiên cứu chọn tạo một số giống có kinh tế cao và xây dựng chuỗi liên kết hướng tới thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm trên địa bàn…
Đến nay, toàn huyện có 63 trang trại và 328 mô hình VAC. “Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) phát triển trong toàn huyện. Nhờ đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt được kết quả khả quan, tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 đạt hơn 1.198 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2020. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh… còn 1%.
Quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thuận Thành cũng đã và đang đặt ra yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng. Việc bảo đảm thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ để phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất. Vấn đề phát huy dân chủ ở cơ sở gắn liền phát huy giám sát phản biện xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Ý kiến ()