Thuận lợi, hiệu quả
LSO-Đầu năm 2015 chỉ có khoảng 20 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thực hiện giao dịch điện tử (GDĐT) bảo hiểm, sau gần 3 năm thực hiện, đến tháng 1/2018 đã có gần 2.230 đơn vị đăng ký thực hiện GDĐT, đạt 95,95% số đơn vị, doanh nghiệp do Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh quản lý. Sử dụng GDĐT giúp BHXH tỉnh thời gian qua đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao, đồng thời tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp khi giao dịch.
Cán bộ Phòng Công nghệ thông tin, BHXH tỉnh xử lý thông tin qua giao dịch điện tử |
GDĐT là sự tương tác giữa cơ quan BHXH và đơn vị sử dụng lao động. Đây là loại hình giao dịch góp phần đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy cải cách hành chính, tăng hiệu lực, tính công khai, minh bạch, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho đơn vị, doanh nghiệp. Ở Lạng Sơn, những giao dịch chủ yếu thực hiện qua điện tử là: tăng – giảm lao động, tăng – giảm mức đóng, điều chỉnh thông tin lao động, cấp lại sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế; đơn vị tham gia BHXH lần đầu.
Anh Dương Thế Anh, cán bộ Phòng Công nghệ thông tin, BHXH tỉnh cho biết: Trước đây, để có thể thực hiện khai nộp BHXH, đơn vị sử dụng lao động phải trực tiếp đến cơ quan BHXH để nộp hồ sơ, nhận kết quả của quá trình giao dịch. Việc làm này tương đối phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nhất là đơn vị, doanh nghiệp mới kê khai lần đầu. Khi thực hiện việc khai BHXH điện tử, đơn vị, doanh nghiệp chỉ cần điền thông tin theo mẫu có sẵn, phần mềm sẽ tự động liên kết, xuất tờ khai theo đúng mẫu đã hiển thị sẵn. Điều này giúp đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giảm chi phí đi lại, thời gian kê khai, dễ dàng chỉnh sửa; BHXH cũng dễ dàng quản lý, tra cứu tờ khai nhanh chóng.
Cụ thể như: trong tháng 1/2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn thực hiện GDĐT tăng mức đóng cho 132 nhân viên. Do thực hiện GDĐT nên đơn vị này chỉ cần thống kê trên cùng 1 danh sách theo mẫu đã có sẵn, vừa nhanh chóng, vừa tránh sai sót. Trong khi đó, trước kia, để thực hiện được giao dịch này, đơn vị phải làm 132 bộ hồ sơ giấy, danh sách, kèm theo quyết định gửi cho cơ quan BHXH qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ; đó là chưa kể đến sai sót thông tin khiến cán bộ phụ trách của đơn vị phải “chạy đi chạy lại” nhiều lần.
Nói về tính ưu việt của GDĐT, chị Võ Thị Tố Như, cán bộ phụ trách công tác bảo hiểm của Điện lực Lạng Sơn cho biết: Đơn vị của tôi là một trong những đơn vị thực hiện GDĐT đầu tiên của tỉnh. Khi thực hiện GDĐT, dù có số lượng người lao động lớn (gần 700 người) nhưng mọi giao dịch với phía bảo hiểm đều đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện; nếu có vướng mắc hay sai sót chỉ cần gọi điện sẽ được cán bộ BHXH hướng dẫn và làm lại luôn.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, từ năm 2017 đến tháng 2/2018, đơn vị nhận trên 286.000 hồ sơ qua GDĐT. Mỗi cán bộ phòng Công nghệ thông tin, BHXH tỉnh xử lý 35 – 40 GDĐT/ngày. Ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc phấn đấu trong năm 2018 sẽ đôn đốc, hướng dẫn để 100% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện GDĐT. Trong thời gian không xa, BHXH tỉnh sẽ áp dụng việc không duyệt hồ sơ giấy để các đơn vị, doanh nghiệp hoàn toàn thực hiện chính sách bảo hiểm qua GDĐT. Qua đó thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
THANH HÒA
Ý kiến ()