Thừa Thiên - Huế: Lãng phí 7,8 tỷ đồng do cấp trùng trên 18.500 thẻ bảo hiểm y tế
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa kiểm tra, phát hiện trong 2 năm 2011-2012, toàn tỉnh cấp trùng trên 18.500 thẻ bảo hiểm y tế, gây lãng phí ngân sách nhà nước trên 7,8 tỷ đồng. Hiện, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính về phương án thoái trả ngân sách cho nhà nước về số tiền thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng nói trên.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa kiểm tra, phát hiện trong 2 năm 2011-2012, toàn tỉnh cấp trùng trên 18.500 thẻ bảo hiểm y tế, gây lãng phí ngân sách nhà nước trên 7,8 tỷ đồng. Hiện, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính về phương án thoái trả ngân sách cho nhà nước về số tiền thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng nói trên.
Theo đoàn kiểm tra, nguyên nhân dẫn đến việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế như vậy là do nhiều cơ quan chuyên môn cùng quản lý và triển khai cấp thẻ trong khi lại thiếu cơ chế phối hợp. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng cấp cho thân nhân quân đội; người nghèo và người dân tộc thiểu số do cơ quan cấp tỉnh thẩm định cấp; còn các nhóm đối tượng khác lại do địa phương đối chiếu nên cấp tỉnh không có cơ sở để loại trừ đối tượng đã có thẻ.
Riêng thủ tục cấp thẻ cho trẻ dưới 6 tuổi được thực hiện trực tiếp từ cấp xã lên thẳng bảo hiểm xã hội nhưng không có cơ quan trung gian theo dõi, tổng hợp. Trong khi đó, thời hạn cấp thẻ cho trẻ được cấp một lần đến 72 tháng tuổi nhưng cán bộ cơ sở không kiểm tra hàng năm, nhất là không đối chiếu giấy khai sinh của trẻ dẫn đến việc cấp thẻ cho trẻ lần đầu đã trùng lặp với số lượng lớn. Có nhiều trường hợp người làm mất thẻ, thẻ bị sai thông tin nhưng lại đề nghị cấp thẻ lần đầu, không thu hồi thẻ cũ, chính quyền cơ sở bỏ qua khâu rà soát dẫn đến việc phát hành trùng thẻ…
Ông Nguyễn Văn Khiết, Trưởng Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, việc chậm phát hiện việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế là do tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa có phần mềm theo dõi để hỗ trợ việc cấp phát thẻ; mặt khác, các đối tượng được cấp thẻ lại chưa quy định thống nhất ở tờ khai, nơi thì ghi số nhà, tên đường; nơi khác lại ghi theo tổ, khóm, xã, phường hoặc ghi theo cơ quan công tác nên khó phát hiện. Mặc dù chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực trong vấn đề này, nhưng các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo ghi đầy đủ, đúng thông tin trong quá trình kê khai cấp thẻ bảo hiểm y tế, tránh việc cấp trùng thẻ, gây lãng phí ngân sách nhà nước…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()