Thừa Thiên Huế khai thác tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
Thừa Thiên Huế có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên, hệ thống dược liệu phong phú, nền y học cổ truyền lâu đời, hệ thống cơ sở hạ tầng và nhân lực tương đối hoàn chỉnh, hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK), du lịch y tế.
Chưa phát huy được tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch CSSK, y tế như: Vườn quốc gia Bạch Mã; vịnh đẹp thế giới Lăng Cô, biển Cảnh Dương, Thuận An, Vinh Thanh… đặc biệt là suối khoáng nóng Thanh Tân, nước khoáng nóng A Roàng, nước khoáng bùn Mỹ An.
Tỉnh có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng, nhiều tài nguyên du lịch văn hoá có thể phối hợp để phát triển du lịch CSSK, y tế như: Quần thể di tích Cố đô Huế; nhiều loại hình văn hoá, nghệ thuât; lễ hội; làng nghề truyền thống…
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế có nền y học cổ truyền lâu đời, nhiều lương y, lương dược danh tiếng. Đáng kể, nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của đông y ở Huế là nền đông y phục vụ cung đình với y dược phát triển ở trình độ cao do triều đình tổ chức, quản lý, đại diện và đỉnh cao là Thái y viện triều Nguyễn. Còn tây y ở Huế cũng được đánh giá không thua kém hai đầu đất nước với hệ thống các bệnh viện có hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Có thể kể đến như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và các bệnh viện tư nhân khác.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn được xây dựng trong những không gian yên bình, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh như: Alba Wellness Resort; Kawara My An Onsen; Lapochine, Vedana Lagoon Resort & Spa,Lang Co Beach & Resort; Laguna Lăng Cô; Pilgrimage Village Boutique Resort & Spa….
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, thực tế trong thời gian qua, các bệnh viện đi đầu là Bệnh viện Quốc tế Huế – Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất và các quy chế tương đối hoàn chỉnh liên quan đến khám chữa bệnh cho đối tượng nước ngoài, mang tính chất đột phá và đón đầu mô hình du lịch y tế.
“Từ những cơ sở đó, có thể khẳng định Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế. Tuy nhiên Thừa Thiên Huế chưa tận dụng khai thác tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ, y tế một cách triệt để, thiếu sự liên kết giữa các bên liên quan trong xây dựng và khai thác chương trình du lịch chăm sóc sức khoẻ, y tế tại địa phương”, đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Cần có kế hoạch tổng thể phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Huế, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế, khẳng định: “Sản phẩm du lịch CSSK rất phù hợp làm sản phẩm bổ trợ cho các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong thời gian tới, cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Thừa Thiên Huế, đồng thời tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương”.
Theo bà Vy, tỉnh cần hoàn thiện cơ chế, có chính sách nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư và thu hút du khách, cần có định hướng và quy hoạch cụ thể theo từng giai đoạn khác nhau với các mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm du lịch CSSK để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và bền vững.
Nhà thơ, nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cho biết hiện nay, để làm phong phú các dòng trải nghiệm của khách du lịch tại Huế cần có định hướng phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực xanh của vùng miền trong thời gian tới, nên có chính sách khuyến khích các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư hổ trợ nông dân trồng rau sạch, bảo vệ và nhân giống các rau củ đặc sản Huế nhiều dược tính có tác dụng lợi cho sức khỏe. Xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Các nhà hàng tăng cường mạng lưới truyền thông món ăn ngon và lành, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe tại tỉnh nhà ở cả trong và ngoài nước càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó kết hợp với các điểm du lịch tâm linh để du khách có thể cầu bình an, sức khỏe, hoặc tìm đến sự thanh thản của tâm hồn.
Theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần có kế hoạch, đề án tổng thể phát triển du lịch CSSK phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của cả tỉnh cùng với việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển.
Để làm được việc đó cần sự nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học, về các yếu tố tiềm năng cũng như hiện trạng của địa phương. Bên cạnh đó cần xác định phân khúc thị trường cụ thể để đảm bảo việc phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu và xu hướng thay đổi trong bối cảnh mới cũng như sự đầu tư, quy mô, tầm vóc phát triển và hành lang chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển.
Ý kiến ()