Thừa Thiên - Huế đón chào Xuân Mậu Tuất với khí thế và sức bật mới
Sau mấy đợt mưa rét kéo dài, trời đất cũng như chiều lòng người, ngày 15/2 (30 Tết) tiết trời thay đổi, nắng ấm thuận tiện cho mọi người vui Xuân, đón Tết. Năm nay, Thừa Thiên - Huế tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa tầm cao tại Kỳ Đài Huế, huyện Nam Đông và Khu du lịch Lugama Lăng Cô phục vụ nhân dân và khách du lịch.
Tối 30 Tết, người dân Huế và du khách tề tựu đông vui trước quảng trường Ngọ Môn, hết sức thích thú với việc “Thắp sáng Kỳ đài Huế” bằng 1.000 đèn led bao bọc xung quanh và xuyên suốt Kỳ đài Huế theo công nghệ hiện đại để thắp sáng và tạo điểm nhấn độc đáo cho Huế về đêm. Sự kiện này cũng tạo nên một quảng trường văn hóa mỗi đêm theo trục Kỳ đài – quảng trường Ngọ Môn nhằm phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh. Mọi người đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng việc thắp sáng Kỳ đài, còn muốn chờ đợi việc tái hiện bắn đại bác trên Kỳ đài, sự kiện chỉ có trong sử sách và tồn tại dưới triều Nguyễn. Đây là một sự kiện còn nhằm mục đích vinh và bảo tồn giá trị lịch sử của Kỳ đài Huế.
Đón Xuân tại Quảng trường Ngọ môn, bên bờ sông Hương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, trải qua thiên tai, lũ lụt liên miên vào dịp cuối năm, nhưng đến giời phút này có thể khẳng định, mọi nhà, mọi người từ miền núi đến vùng biển đều được vui Xuân, đón Tết no ấm.
Từ trước Tết, các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội trên toàn tỉnh vui Xuân đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đã trao đến tay người có công và các đối tượng xã hội khác trên địa bàn tổng cộng 160.968 suất quà, với tổng số tiền 52,096 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh và các địa phương đã chuyển 37.414 suất quà hỗ trợ của Chủ tịch nước và của tỉnh cho người có công với tổng số tiền 7,750 tỷ đồng; hỗ trợ quà tết cho 123.554 người dân thuộc hộ nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và các gia đình khó khăn khác với tổng số tiền 44,345 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, doanh nghiệp.
Hướng đến Tết ấm no cho các gia đình bị thiệt hại sau bão lũ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phân bổ 2.000 tấn gạo đến các các hộ nghèo và hộ bị ảnh hưởng do cơn bão số 12 gây ra. Với đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến các em nhỏ đặc biệt khó khăn như “Trẻ em vui xuân, người già đón Tết”, “Nắng ấm mùa Xuân”.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, đơn vị chi thưởng 30 tỷ đồng tiền tết, với mức thưởng 1,5 tháng lương/người cho lao động. Công ty Cổ phần Dệt may Huế, doanh nghiệp duy trì và mở rộng được thị trường tiêu thụ thì sản phẩm và được các đối tác đánh giá cao và lựa chọn, trong đó đã ký được nhiều đơn hàng giá trị từ các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ai Cập… Hiện, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng sản xuất đến tháng 4/2018 và tỷ lệ đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) chiếm tới 40%. Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, năm 2017, Công ty Cổ phần Dệt may Huế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 84 triệu USD, doanh thu 1.672 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 56 tỷ đồng và đảm bảo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động.
Không khí ra quân, thi đua lao động sản xuất ở Thừa Thiên – Huế có hiệu quả ngay từ đầu năm, thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp tương đối ổn định. Bằng chứng là công nhân các doanh nghiệp dệt may có gần 100% lao động cam kết trở lại sản xuất sau Tết Nguyên đán. Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 50 doanh nghiệp dệt may hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, với mức lương bình quân từ 5 triệu – 7 triệu/người/tháng. Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ có thêm 5 nhà máy may đi vào hoạt động, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Năm 2018, Công ty Scavi Huế thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp) tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy may 4 tại Khu công nghiệp Phong Điền, nâng tổng số chuyền may lên 150, nâng tổng số lao động lên 7.000 người.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao, tỉnh bước vào năm 2018 với khí thế và sức bật mới. Mở đầu bằng sự kiện miễn vé cho nhân dân và du khách là người Việt Nam tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế trong 3 ngày Tết Mậu Tuất (từ 1-3 Tết), năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch “Huế – một điểm đến 5 di sản” (gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, vốn được UNESCO công nhận là di sản thế giới) để thu hút khách tham quan.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục thực hiện 3 chương trình trọng điểm (Chương trình phát triển du lịch – dịch vụ; chương trình phát triển hạ tầng kinh tế – kỹ thuật và phát triển công nghiệp và chương trình cải cách hành chính). Chương trình phát triển du lịch – dịch vụ với mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh phấn đấu thu hút từ 4 triệu đến 4,2 triệu lượt khách tham quan, tăng 10-12% (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% – 45%). Doanh thu du lịch đạt từ 4.200 – 4.300 tỷ đồng, tăng khoảng 15%. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh kêu gọi và chọn lựa các nhà đầu tư chiến lược cho các dự án du lịch đang xúc tiến đầu tư; tập trung đốc thúc quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án du lịch lớn, có thương hiệu đang được nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo điểm nhấn và có sức ảnh hưởng đối với du lịch trên địa bàn.
Ngoài việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có; xây dựng một số sản phẩm mới có tính đặc trưng, có sức cạnh tranh cao và các sản phẩm du lịch về đêm; tỉnh tập trung xây dựng hình thành chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao, cũng như các lễ hội định kỳ và ổn định để thu hút khách du lịch, kết hợp với việc xây dựng môi trường xanh, sạch trở thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng. Duy trì các thị trường khách truyền thống, tăng cường phát triển và mở rộng một số thị trường mới (Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) thông qua chương trình hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không, các tỉnh thành kết nghĩa để tổ chức kết nối các đường bay trực tiếp và liên kết với các địa phương bạn đang khai thác mạnh. Phối hợp với Tổng cục Du lịch đón một số đoàn Famtrip, Presstrip dành cho các doanh nghiệp lữ hành, báo chí nước ngoài từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng (Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc)./.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()