Thừa Thiên - Huế đối phó sạt lở ven sông, biển
Tình trạng sạt lở bờ sông ở Thừa Thiên - Huế. Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài hơn 8 km bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng, dọc các con sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu, ngày càng xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng với chiều dài hàng chục km, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Đặc biệt, tại xã Hải Dương, huyện Hương Trà đang đối diện với nguy cơ mở một cửa biển mới.Sạt lở ngày càng nghiêm trọngDo ảnh hưởng các cơn bão số 4, 5 và các đợt mưa lũ xảy ra liên tiếp gần đây, khiến nhiều bờ sông, bờ biển tại Thừa Thiên - Huế bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Trên các sông Bồ, sông Hương, các đoạn bờ sông những năm trước đây đã sạt lở nặng nhưng chưa được đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ, nay do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua làm bờ sông tiếp tục sạt lở hơn 1,3 km. Hơn 100 hộ dân phải di dời khẩn cấp và làm mất khoảng 3,1 ha đất ở,...
![]() |
Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngoài hơn 8 km bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng, dọc các con sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu, ngày càng xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng với chiều dài hàng chục km, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Đặc biệt, tại xã Hải Dương, huyện Hương Trà đang đối diện với nguy cơ mở một cửa biển mới.
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Do ảnh hưởng các cơn bão số 4, 5 và các đợt mưa lũ xảy ra liên tiếp gần đây, khiến nhiều bờ sông, bờ biển tại Thừa Thiên – Huế bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Trên các sông Bồ, sông Hương, các đoạn bờ sông những năm trước đây đã sạt lở nặng nhưng chưa được đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ, nay do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua làm bờ sông tiếp tục sạt lở hơn 1,3 km. Hơn 100 hộ dân phải di dời khẩn cấp và làm mất khoảng 3,1 ha đất ở, đất nông nghiệp dọc bờ sông gây hư hỏng các tuyến đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng.
Trên sông Bồ, đoạn qua thôn Phò Ninh, xã Phong An (huyện Phong Điền), bờ sông bị sạt lở dài gần 20m, làm nhà bốn hộ dân sống ở gần bờ sông bị sụp đổ và nhiều nhà khác cũng đang bị đe dọa. Hai nhà xây gần bờ sông của gia đình bà Trần Thị Mai và bờ kè nhà ông Trần Quảng ở thôn Phò Ninh đã bị sạt lở nặng, mất gần 200m2 đất. Tại nhà ông Trần Quảng, sạt lở đã tiến đến chân tường, nước sông xoáy sâu vào móng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ông Quảng cho biết: “Lũ đã cuốn trôi đi tất cả tài sản, hoa màu, bây giờ sạt lở lại làm mất đất, sắp mất nốt căn nhà. Trong những ngày mưa lũ vừa qua, chính quyền địa phương đã phải di dời người dân và tài sản ở những vùng chịu sạt lở nghiêm trọng đến ở nhờ tại các hộ dân bên trong xã, có nhà kiên cố.
Tại khu vực xóm Cồn Đâu và thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (huyện Hương Trà), bờ biển xâm thực hơn 300m, sâu 10 – 20m, uy hiếp hơn 100 hộ dân đang sinh sống tại khu vực này. Nghiêm trọng hơn, việc sạt lở bờ biển có nguy cơ mở thêm một cửa biển mới thông với phá Tam Giang (tại vị trí này chiều rộng của dải đất tính từ biển đến đầm phá chỉ còn lại khoảng 70m). Trưởng thôn Thái Dương Hạ Nam Nguyễn Ngọc Minh lo ngại: “Chưa có năm mô biển xâm thực nhiều như năm ni, chẳng mấy chốc xóm Cồn Đâu sẽ thành một ốc đảo và gần 100 hộ dân sẽ bị cô lập”.
Tại bờ biển thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), trong những ngày mưa bão vừa qua, nước biển đã lấn sâu vào đất liền hơn 25m, chiều dài gần 200m, hàng trăm cây phi lao hơn 30 năm tuổi bị sóng đánh bật gốc. Nhiều diện tích rừng phòng hộ có nguy cơ biến mất. Hiện tại, sóng biển vẫn tiếp tục làm sạt lở thêm gần 300 m từ góc mỏ hàn đê chắn sóng cửa Thuận An về phía nam, gây nguy cơ đổ cột hải đăng Thuận An do nước biển xâm thực. Tại bờ biển thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải (Phú Vang) cũng bị xâm thực nghiêm trọng, từ mép nước biển đến nhà dân còn khoảng 100m, người dân rất hoang mang. Chủ tịch UBND xã Phú Hải Phan Minh Thắng cho biết: “Bình quân mỗi năm, biển xâm thực vào đất liền 3-7m. Xã đã di dời 37 hộ dân đến nơi an toàn”.
Người dân vẫn còn chủ quan
Tình trạng các con sông bị xói lở, bờ biển xâm thực nặng đã ảnh hưởng đến tính mạng con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sống gần khu vực ven sông, ven biển và trong vùng sạt lở vẫn còn chủ quan. Ông Đặng Văn Mạnh ở xóm Đuồi cho biết: “Sau cơn đại hồng thủy năm 1999, nhiều ngư dân bỏ khỏi nơi này vì cho rằng, đây là “miệng bão”, nhưng tôi quyết định ở lại, vì không còn nơi nào để đi. Ở đây gần biển, gần phá, thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi hải sản”. Tại hai khu vực xóm Đuồi và xóm Đá, có gần 100 hộ dân sinh sống trong những căn nhà với vách tường tạm bợ, năm nào cũng gồng mình chống bão và triều cường dâng cao, nhưng bà con vẫn bám trụ. Người ít tiền thì làm thuê cho các chủ thuyền cá, ai không thích nghề biển thì giăng lưới, nò sáo để nuôi cá, tôm.
Để khắc phục tình trạng sạt lở tại bờ biển xã Hải Dương, UBND huyện Hương Trà và chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng nhân dân sử dụng bao tải cát, đá và vải lót gia cố gần 100m bờ biển ở đoạn xung yếu có nguy cơ sạt lở mạnh. Đây là phương án tạm thời, chỉ có xây dựng kè đá mới bảo đảm chắc chắn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí quá lớn nên địa phương cũng đã kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí xây dựng bờ kè, nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho nhân dân. Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An Nguyễn Xuân Hải cho rằng: “Chúng tôi chỉ giải quyết tái định cư cho một số hộ thuộc diện đặc biệt nguy hiểm sát mép bờ biển. Trong năm 2010, thị trấn đã bố trí được 36 hộ tại khu vực Bàu Sen, còn lại 100 hộ ở hai khu vực xóm Đá và xóm Đuồi phải thực hiện phương án “sống chung với lũ”. Nếu bờ biển tiếp tục sạt lở sẽ di dời khẩn cấp các hộ dân này ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Hai năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng di dời tái định cư hơn 900 hộ dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân sống ven bờ các con sông, gần bờ biển đang cần được tái định cư để ổn định cuộc sống. Việc triển khai chương trình tái định cư cho người dân vùng sạt lở vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là chế độ, chính sách cho các hộ di dời. Theo Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thanh Hùng, đối với các hộ dân ở vùng sạt lở, thứ nhất là do phong tục tập quán, nhà cửa họ đã xây dựng nên không muốn di dời. Thứ hai, sinh kế của người dân khi đến nơi ở mới cũng gặp nhiều khó khăn. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, thực hiện tốt các giải pháp về sinh kế lâu dài để họ yên tâm khi đến nơi ở mới.
Để hạn chế tình trạng sạt lở ven sông, bờ biển, cần phải đầu tư xây dựng các bờ kè, đá chắn sóng, xây các mỏ hàn để hạn chế việc biển xâm thực. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng xói lở bờ biển, bờ sông đang diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng tại các địa phương; trong đó có dự án xây kè tại biển Thuận An giai đoạn 2. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên – Huế Ngô Văn Tuân, tháng 9-2011, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư hơn 550 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để xây dựng công trình “Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương và chỉnh trị luồng Cảng Thuận An”. Tuy nhiên, hiện vẫn đang khó khăn về nguồn vốn nên vẫn chưa triển khai thực hiện, đặc biệt trong mùa mưa bão năm nay.
Gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thống nhất quy mô đầu tư dự án tu bổ đê điều thường xuyên, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão năm 2012 tại các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc, trong đó ưu tiên xây dựng cống ngăn lũ sông Ô Lâu, các tuyến đê vượt lũ; xây dựng và nạo vét các âu thuyền tránh bão; sửa chữa các tuyến đê, kè thuộc các xã hạ lưu sông Hương, sông Bồ, sông Như Ý… với tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, việc trồng rừng phi lao cũng là một biện pháp chống sạt lở hiệu quả. Các địa phương bị sạt lở bờ sông, bờ biển cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng cây xanh và rừng phi lao để góp phần hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông và biển xâm thực.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tổng hợp số liệu thiệt hại tính đến hết ngày 1-11, đã có 69 người chết, 137.300 nhà bị ngập; 22.955 ha lúa bị ngập úng; 1.560 km đê bao, bờ bao bị sạt lở. |
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()