Thừa Thiên - Huế đối mặt với tình trạng bèo lục bình phủ kín các con sông
Những năm trở lại đây, do ít lũ lụt nên nhiều mặt sông, hồ ở Thừa Thiên - Huế bị phủ kín bèo lục bình; thêm vào đó là rác thải ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, kể cả cảnh quan khu vực nội thành Huế.
Tại thành phố Huế, các con sông lớn như Ngự Hà, Phát Lát, Như Ý, Đông Ba, Bạch Yến… cứ vào mùa hè là tình trạng bèo lục bình phát triển đến mức chắn cả dòng chảy, và rác nổi ngập mặt nước.
Bèo lục bình phủ kín sông Phổ Lợi, đoạn qua làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang.
Ảnh: Quốc Việt – TTXVN
Sở dĩ vẫn tồn tại tình trạng trên và không thể xử lý triệt để là do suốt một thời gian dài, nguồn nước thải sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa qua xử lý được xả thẳng xuống sông, hồ, tạo môi trường thuận lợi cho một số loại bèo sinh trưởng và phát triển nhanh chóng.
Mặc dù hằng năm, các địa phương trong tỉnh vẫn trích ngân sách hàng trăm triệu đồng để phục vụ công tác trục vớt bèo, rác. Tuy nhiên, do các địa phương không có phương tiện cũng như nguồn nhân lực để thực hiện thường xuyên và bài bản. Nhiều đoạn sông còn bị bồi lấp bởi việc xây dựng nhà cửa, xả thải vô ý thức… khiến dòng chảy không được khơi thông, nước nhiễm bẩn ứ đọng trên một số khúc sông cũng là nguyên nhân làm cho bèo sinh sôi ngày càng nhiều.
Nhiều vùng quê trong tỉnh, bèo lục bình còn xâm lấn vào nội đồng, gây khó khăn, tốn kinh phí xử lý khi nông dân đang bước vào sản xuất vụ đông xuân. Để diệt thực vật ngoại lai gây hại này, một số địa phương ở huyện Quảng Điền đã dùng thuốc cháy, chất khai hoang bơm thẳng vào ruộng gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước… Tại hai hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất và Tam Giang (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền), có tới 50 ha đất bị bào lục bình xâm lấn trong tổng số 345 ha diện tích gieo cấy lúa. Tính ra 1 sào (1/10 ha) bèo, nếu vớt lên khoảng 10 tấn bèo, không biết chuyển đi đâu cho hết. Dự tính, hợp tác xã sẽ đầu tư kinh phí 30%, còn lại các xã viên huy động ngày công, máy cắt, thuốc để diệt bèo. Tuy vậy, nhiều nơi bèo vẫn ken dày, chất ứ trên nhiều xứ đồng, một số diện tích ruộng phải bỏ hoang.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường các sông hiện nay đó là rác thải, bèo, sinh vật ngoại lai. Cùng với đó là việc xả thải của người dân chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường như hiện tượng vứt rác, rải vàng mã trên sông đã làm giảm đi dòng chảy các con sông cũng là nguyên nhân cho bèo lục bình đeo bám và phất triển. Biện pháp chính vẫn là ý thức của người dân; tiếp đến là các địa phương cần tăng nguồn lực tài chính cho việc xử lý rác và tổ chức vớt bèo thường xuyên.
Phường Thuận Lộc thay vì thu lệ phí hoa lợi nông sản của các hộ, đơn vị tham gia sản xuất trên các đoạn sông, hồ để chi trả các loại phí, trong đó có phí thu gom, trục vớt bèo, vệ sinh môi trường như trước, nay, phường không thu khoản phí này, mà giao trách nhiệm cho các hộ dân trực tiếp làm sạch hồ để vừa phục vụ sản xuất nuôi trồng, vừa đảm bảo môi trường quanh khu vực. Cách làm này đã phần nào giải quyết được tình trạng bèo, rác tù đọng ở các hồ, đoạn sông qua địa bàn. Hiện, trên địa bàn phường Thuận Lộc có 11 hồ lớn, nhỏ nhưng tình trạng bèo lục bình, rác ứ đọng đã được giảm thiểu đáng kể…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()