Thừa Thiên Huế: Diện mạo mới ở các xã miền núi từ Chương trình 135
Thừa Thiên Huế có 46 xã miền núi, trong đó 33 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua, Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai trên địa bàn 16 xã và 26 thôn/bản thuộc xã khu vực II đặc biệt khó khăn, đã thật sự làm thay đổi diện mạo cho các địa phương này. Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn IItrên địa bàn tỉnh, đã có 119,970 tỷ đồng được đầu tư trên các lĩnh vực (đạt 95% theo kế hoạch). Chương trình đã thật sự tạo sự chuyển biến, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Đến nay, đa số các xã nằm trong dự án đều được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Hầu hết đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số xã có điện lưới quốc...
Thừa Thiên Huế có 46 xã miền núi, trong đó 33 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua, Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai trên địa bàn 16 xã và 26 thôn/bản thuộc xã khu vực II đặc biệt khó khăn, đã thật sự làm thay đổi diện mạo cho các địa phương này.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh, đã có 119,970 tỷ đồng được đầu tư trên các lĩnh vực (đạt 95% theo kế hoạch). Chương trình đã thật sự tạo sự chuyển biến, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh.
Đến nay, đa số các xã nằm trong dự án đều được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Hầu hết đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số xã có điện lưới quốc gia; các công trình thủy lợi được chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn, phục vụ tốt cho nhu cầu khám và chữa bệnh của người dân.
Trên lĩnh vực kinh tế, Chương trình đã tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cách thức sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, chuyển sang sống định canh định cư để ổn định, phát triển sản xuất; đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và học hỏi các mô hình sản xuất có hiệu quả; chọn cây giống, con giống phù hợp với điều kiện và kinh nghiệm truyền thống của mỗi dân tộc; biết tích lũy, sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Nhờ đó, nhiều hộ đã thật sự thoát nghèo và đi lên từ phát triển kinh tế vườn, trồng rừng, chăn nuôi bò, lợn rừng, nuôi cá, trồng cao su, cà phê… Điển hình như gia đình các ông Phạm Văn Ngôi, Trần Văn Viễn (dân tộc Cơ Tu) ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông có thu nhập bình quân từ 50 – 60 triệu đồng/năm từ thu hoạch cao su; hộ ông Phạm Xuân Sử thu hoạch từ làm vườn và chăn nuôi đạt 60 – 70 triệu đồng/năm; ông Quỳnh Nhất, Hồ Hồng (ở xã Nhâm, huyện A Lưới) thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/tháng…
Đời sống văn hóa – xã hội tại các xã vùng cao từng bước được cải thiện và nâng cao. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được triển khai thực hiện có hiệu quả, 100% xã đặc biệt khó khăn đã phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Đa số người dân miền núi đã sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, không còn tình trạng sử dụng nước sông suối nhiễm bẩn như trước đây. Đời sống văn hóa – tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng và được nâng cao; các nhà văn hóa cộng đồng (nhà Rông, nhà Gươl) được xây dựng để đồng bào có nơi sinh hoạt và tổ chức các lễ hội văn hóa cộng đồng… Các ngành nghề truyền thống như dệt, đan lát được duy trì, phát huy và nhân rộng. Các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, sách báo, chiếu phim lưu động đã về tận thôn, bản, giúp người dân hiểu rõ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời nắm bắt các thông tin thời sự và kinh nghiệm sản xuất của các địa phương, dân tộc khác để ứng dụng có hiệu quả.
Song song với việc đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác đào tạo cán bộ cấp xã, thôn, bản cũng được quan tâm chú trọng, chính vì thế, năng lực quản lý và điều hành thực hiện các chính sách, chương trình, dự án tại địa phương đã thực sự chuyển biến và đạt hiệu quả cao.
Từ những kết quả nói trên, có thể khẳng định, Chương trình 135 đã thật sự làm thay đổi diện mạo của các xã miền núi ở Thừa Thiên Huế, đói nghèo từng bước đang được đẩy lùi; nhân dân các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào chính sách, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; biết nỗ lực phấn đấu vươn lên, làm giàu cho chính bản thân và xã hội./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()