Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với lợi thế là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây..., Thừa Thiên - Huế có nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư. Ba năm trở lại đây, Thừa Thiên - Huế đã vươn lên là một trong mười tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với nhiều dự án hàng tỷ USD. Để phát huy thế mạnh, tiềm năng, Thừa Thiên - Huế đã và đang nỗ lực huy động mọi điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường để thu hút các nhà đầu tư.Khai thác tiềm năng, thế mạnhNhững năm qua, nền kinh tế Thừa Thiên - Huế đạt mức tăng trưởng khá so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Thừa Thiên - Huế ngày càng có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước có vốn đầu tư vào các khu công nghiệp...
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Những năm qua, nền kinh tế Thừa Thiên – Huế đạt mức tăng trưởng khá so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Thừa Thiên – Huế ngày càng có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước có vốn đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh doanh bất động sản, khu đô thị – công nghệ cao…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế, nếu như năm 2006, toàn tỉnh chỉ có 38 dự án FDI nhỏ lẻ thì từ năm 2007 đến 2010, Thừa Thiên – Huế luôn là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước. Đặc biệt, năm 2008, có 74 dự án trong nước và ngoài nước được cấp chứng nhận đầu tư với tổng nguồn vốn 1.556 triệu USD; thu hút 13 dự án FDI, với tổng nguồn vốn 1.097 triệu USD, xếp thứ 10 trong 64 tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI. Tính đến ngày 31-12-2010, có 328 dự án với tổng mức vốn đăng ký hơn 80 nghìn tỷ đồng. Về doanh nghiệp có vốn FDI, đến nay có 69 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 2.500 triệu USD, tương đương hơn 45 nghìn tỷ đồng. Trong các khu công nghiệp hiện có 60 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10 nghìn tỷ đồng; 232 dự án ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn đăng ký khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế Lê Đình Khánh cho biết: Gần đây, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thừa Thiên – Huế với nội dung: Xúc tiến kêu gọi đầu tư về du lịch và dịch vụ, kinh doanh bất động sản, đầu tư vào khu đô thị mới, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu đô thị mới… Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho ba nhà đầu tư với số vốn cam kết gần bảy nghìn tỷ đồng. Đó là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô của Tổng công ty cổ phần Phong Phú với vốn cam kết 5.230 tỷ đồng; dự án Cảng chuyên dụng và Nhà máy xi-măng Đồng Lâm của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải quốc tế với vốn đầu tư 1.235 tỷ đồng và Nhà máy chế biến cát trắng Thừa Thiên – Huế (vốn đầu tư 400 tỷ đồng) của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương.
Nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh đã và đang thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, trong đó điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, nhanh gọn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư.
Thừa Thiên – Huế đã và đang tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, phát triển công nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng BOT, BTO… Các khu công nghiệp, khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực của tỉnh cũng đang áp dụng các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư, như thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động và được miễn bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế…
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, về cơ bản, những ưu đãi về thuế, xuất nhập khẩu, thủ tục đầu tư, giá thuê đất… của Thừa Thiên – Huế cũng dựa trên khung cho phép của các luật hiện hành. Tuy nhiên, tỉnh đã cụ thể hóa theo hướng có lợi nhất cho nhà đầu tư theo Quyết định 1337/QĐ-UBND ngày 7-7-2009 của UBND tỉnh. Các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tái định cư, hỗ trợ thêm phần chênh lệch đền bù 100% nếu đầu tư vào các huyện Nam Đông, A Lưới và 50% ở các huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Gần đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về quy trình hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn. Quy trình được áp dụng trong việc phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu các thông tin và thực hiện các thủ tục đúng quy trình về đầu tư.
Hiệu quả thu hút đầu tư đi kèm với nhiều biện pháp cương quyết với các nhà đầu tư không có năng lực, không triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết. Tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt với những dự án kéo dài, dự án 'treo' gây dư luận không tốt trên địa bàn. Gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã quyết định thu hồi 12 giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký hơn 650 triệu USD, trong đó có ba dự án thuộc lĩnh vực du lịch (dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam A D&C và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lost World, Khu du lịch Dream Palace).
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cho nên có sự sụt giảm mạnh trong thu hút FDI và những động lực tăng trưởng từ khu vực FDI trên địa bàn. Mặc dù trong năm 2010, mức thu hút FDI vào tỉnh Thừa Thiên – Huế có tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ đạt ở mức thấp so với những năm trước và vốn thực hiện đạt 54,77 triệu USD. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, kinh doanh bất động sản có vốn đăng ký lớn và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng vốn đăng ký. Hiện nay, nhiều dự án do chủ đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính, cho nên tiến độ triển khai rất chậm hoặc không có khả năng triển khai, đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu vốn thực hiện. Các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng,… còn rườm rà, đặc biệt công tác triển khai thực hiện sau cấp phép như đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư,… còn nhiều phức tạp, kém hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, thị trường trọng điểm để kêu gọi thu hút đầu tư của Thừa Thiên – Huế trong năm 2011 đó là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ở nước ngoài, tỉnh nhắm đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như khu du lịch, hạ tầng khu kinh tế và các khu công nghiệp – khu đô thị mới, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính,… chất lượng cao. Trong đó, tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư vào khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, TP Huế, khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn,…
Tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có bốn nhóm dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2020, gồm: Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; sản xuất công nghiệp; du lịch; dịch vụ khác.
Một trong những biện pháp thúc đẩy thu hút đầu tư của Thừa Thiên – Huế là tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tạo liên kết vùng trong xúc tiến đầu tư đến các thị trường trong nước và ngoài nước, nhất là các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Việc liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm kinh tế miền trung là rất quan trọng, khi các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến khu vực này. Cũng theo ý kiến của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, cần có một ban điều phối vùng do Chính phủ chủ trì để tránh chồng chéo trong xúc tiến đầu tư, do hầu hết các tỉnh trong vùng đều có lợi thế so sánh gần giống nhau.
Dự kiến, trong năm 2011, tỉnh Thừa Thiên – Huế thu hút được khoảng 15 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 200 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI dự kiến đạt 113 triệu USD. Doanh thu ước đạt 320 triệu USD và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã đề nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ các nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, như hệ thống xử lý nước thải, hệ thống đường, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu công nghiệp Phú Bài,…
Theo Nhandan
Ý kiến ()