Thú y viên cơ sở: Chủ động ngăn ngừa, khống chế dịch bệnh
LSO-Trong những năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm có diễn biến phức tạp.
LSO-Trong những năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm có diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh hàng năm vẫn xuất hiện rải rác các ổ bệnh nguy hiểm và có lúc bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, với sự vào cuộc nhanh chóng, chủ động của cơ quan chuyên môn, trong đó trọng yếu là lực lượng thú y viên cơ sở, các loại dịch bệnh đã nhanh chóng được khống chế, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và ổn định kinh tế chăn nuôi.
Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Bến Lường (Hữu Lũng) khử trùng phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn |
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, trên địa bàn xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn đã xuất hiện bệnh tai xanh trên đàn lợn. Đợt bệnh này khá bất ngờ, trong bối cảnh các cấp, ngành đang ra sức triển khai phòng, chống cúm gia cầm và dư luận đang tập trung vào các biện pháp phòng ngừa cúm A H7N9 lây sang người. Đồng thời đây cũng là thời điểm các địa phương vừa mới triển khai xong tháng cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động giám sát dịch bệnh, nắm chắc địa bàn, thú y viên cơ sở xã Quỳnh Sơn đã sớm phát hiện triệu chứng điển hình của bệnh, từ đó có báo cáo kịp thời để triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế ổ bệnh.
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn cho biết: nhờ báo cáo, tham mưu kịp thời của thú y viên, xã đã ngay lập tức phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện triển khai các biện pháp chống dịch. Không chỉ chủ động trong giám sát dịch bệnh, mà trong khống chế ổ bệnh, thú y viên cũng đóng vai trò nòng cốt trong triển khai tiêm phòng, vận động nhân dân tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh theo quy định và hướng dẫn nhân dân các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Nhờ đó mà chỉ vài ngày sau Quỳnh Sơn đã khống chế thành công bệnh tai xanh.
Nhớ lại đợt bùng phát dịch tai xanh từ tháng 5-7/2012, dịch lan ra 26 xã trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chủ trì cuộc họp khẩn, chỉ đạo các cấp, ngành phải huy động mọi lực lượng để dập dịch. Trong đợt dịch này, đội ngũ thú y viên cơ sở tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng của mình. Ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y nhận định: lực lượng này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thực hiện mọi chỉ đạo từ bao vây, tiêm phòng vào thẳng trong vùng dịch đến điều trị theo phác đồ…thú y viên đều làm rất tròn vai. Chứng kiến thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vận hành năng động, linh hoạt của mạng lưới thú y viên, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y nhận xét: Lạng Sơn chống dịch rất bài bản và có hiệu quả.
Thực tế, thời điểm trước năm 2008, với đặc thù địa hình, tập quán chăn nuôi của tỉnh miền núi, biên giới, Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong bối cảnh đó, đầu năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành chính sách xây dựng mạng lưới thú y viên cơ sở. Triển khai chính sách này, các cấp, ngành hữu quan đã tuyển chọn và bố trí mỗi xã 1 thú y viên, riêng xã có địa hình rộng, khó khăn hoặc chăn nuôi tập trung bố trí 2 thú y viên. Với phụ cấp 1,0 mức lương cơ bản cho Trưởng thú y viên xã và 0,8 cho thú y viên. Đồng thời trang bị đầy đủ thiết bị cũng như nghiệp vụ cho đội ngũ này. Trong điều kiện eo hẹp về ngân sách và cả khó khăn về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuẩn của thú y viên, nhưng với sự quyết tâm của tỉnh, chính sách dần đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: hiện nay lực lượng thú y viên của toàn tỉnh có khoảng 280 người, đây là lực lượng rất cơ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tinh thông về nghiệp vụ. Hàng năm, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương đều tiến hành đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Trong vòng 5 năm qua, kể từ khi triển khai chính sách mới chỉ có 2 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng do không hoàn thành nhiệm vụ. Con số này thể hiện sự giám sát chặt chẽ của cấp quản lý, đồng thời cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao của mạng lưới thú y viên. Phù hợp với thực tiễn, thuận với lòng dân, chính sách xây dựng mạng lưới thú y viên cơ sở đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()