LSO-Rút kinh nghiệm từ vụ rét đậm, rét hại năm 2007 huyện Lộc Bình bị chết rét tới gần 3.000 con trâu, bò. Thiệt hại nặng nề đó còn di chứng đến tận giờ. Năm nay, huyện đã chủ động chống rét cho trâu bò từ sớm, quyết tâm giảm trâu bò chết rét đến mức thấp nhất để tránh thiệt hại về kinh tế cho người dân.Cán bộ thú y huyện Lộc Bình hướng dẫn sử dụng thức ăn cho trâu bòHiện nay, toàn huyện Lộc Bình có tổng đàn trâu bò là 23.535 con, so với nhiều huyện trong tỉnh, Lộc Bình là một huyện có tốc độ phát triển đàn gia súc hàng hoá tương đối nhanh. Thời gian gần đây, việc cơ giới hoá, chuyển dịch cơ cấu lao động toàn huyện đã đạt được những kết quả khả quan, trên 70% diện tích đất nông nghiệp đã được sản xuất cơ giới hoá, vì vậy phát triển đàn trâu bò chủ yếu tập trung vào chăn nuôi hàng hoá, nên số đàn trâu bò tăng khá nhanh. Tuy nhiên, là một huyện miền núi, biên giới, tập quán chăn nuôi của đại bộ phận nhân...
LSO-Rút kinh nghiệm từ vụ rét đậm, rét hại năm 2007 huyện Lộc Bình bị chết rét tới gần 3.000 con trâu, bò. Thiệt hại nặng nề đó còn di chứng đến tận giờ. Năm nay, huyện đã chủ động chống rét cho trâu bò từ sớm, quyết tâm giảm trâu bò chết rét đến mức thấp nhất để tránh thiệt hại về kinh tế cho người dân.
|
Cán bộ thú y huyện Lộc Bình hướng dẫn sử dụng thức ăn cho trâu bò |
Hiện nay, toàn huyện Lộc Bình có tổng đàn trâu bò là 23.535 con, so với nhiều huyện trong tỉnh, Lộc Bình là một huyện có tốc độ phát triển đàn gia súc hàng hoá tương đối nhanh. Thời gian gần đây, việc cơ giới hoá, chuyển dịch cơ cấu lao động toàn huyện đã đạt được những kết quả khả quan, trên 70% diện tích đất nông nghiệp đã được sản xuất cơ giới hoá, vì vậy phát triển đàn trâu bò chủ yếu tập trung vào chăn nuôi hàng hoá, nên số đàn trâu bò tăng khá nhanh. Tuy nhiên, là một huyện miền núi, biên giới, tập quán chăn nuôi của đại bộ phận nhân dân vẫn là chăn thả rông, rất dễ dẫn đến những rủi ro như vụ rét năm 2007. Năm nay, để tránh những thiệt hại cho người dân, huyện đã tập trung vào các biện pháp phòng xa để chống rét cho trâu bò. Anh Chu Xuân Chất, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện áo còn lấm lem bụi đường sau buổi đi cơ sở vận động người dân làm chuồng trại, chống rét cho trâu bò đã phải tranh thủ làm việc với chúng tôi. Theo anh không có cách nào hay hơn là mình làm cho dân xem, hướng dẫn từng chữ một, vì thế khi xuống chuồng trại, anh chị em từ cán bộ khuyến nông, phòng Nông nghiệp, Thú y phải trực tiếp hướng dẫn như: tránh làm chuồng trại nơi hướng gió, quây bạt, chất rơm, chắn gió, dọn chuồng trại sạch sẽ để trâu bò có thêm sức khoẻ chống rét. Đặc biệt trong mùa đông không nên thả rông trâu bò, khi ấm trời lùa trâu bò ra khỏi chuồng để vận động thích nghi môi trường, nếu quá lạnh phải đốt lửa sưởi cho trâu bò, và còn cho ăn tăng khẩu phần. Những kiến thức ấy không khó, bà con tiếp thu và làm theo cũng không khó nhưng với người dân vẫn phải cầm tay chỉ việc. Cùng với việc vận động, hướng dẫn nhân dân, cán bộ Trạm Thú y cũng tập trung công tác trọng tâm là phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm trong mùa đông. Mỗi thú y viên cơ sở phải bám trưởng thôn, bản để tuyên truyền, phát tờ rơi, phát thuốc tiêm đề kháng các loại bệnh thông thường của trâu bò. Cho đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng bệnh cho gia súc được trên 30 ngàn lượt. Tuyên truyền cho trên 2.000 lượt hộ dân về củng cố chuồng trại, cách phòng chống rét cho trâu bò vào mùa đông, hướng dẫn nhân dân báo thú y những biểu hiện bất thường của trâu bò. Có mặt tại Trạm Thú y huyện nhận thuốc tiêm phòng cho trâu bò, anh Hoàng Văn Quang cán bộ xã Ái Quốc cho biết, ngay khi bước vào vụ rét xã đã được thú y tuyên truyền tiêm phòng đủ liều cho trâu bò, dự trữ thức ăn từ rơm, khoai sắn, thức ăn bột cho trâu bò ăn bổ sung, nếu lạnh quá cho trâu bò uống nước ấm pha muối, ăn thức ăn trộn muối để tăng sức đề kháng. Năm nay Ái Quốc đã chủ động trong phòng chống rét, anh Quang cho biết thêm, năm nay dù có rét thì chắc chắn trâu bò bị chết rét sẽ giảm. Hiện nay, Trạm Thú y Lộc Bình đã chuẩn bị đầy đủ thuốc tiêm phòng, triển khai các tình huống phòng chống rét cho trâu bò, gắn trách nhiệm thú y cơ sở. Theo anh Chất nếu chủ động phòng và phòng đúng cách thì sẽ giảm thiệt hại cho bà con đến mức thấp nhất.
Mùa đông năm nay, theo dự báo, thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ rét đậm rét hại là khó tránh khỏi, vì vậy, triển khai sớm các biện pháp phòng chống rét cho trâu bò luôn là vấn đề thời sự. Với cách làm cầm tay chỉ việc, tiêm phòng và chống rét chủ động sớm như hiện nay chắc chắn huyện Lộc Bình sẽ giảm được thiệt hại về đàn gia súc. Đây là hướng tích cực để phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng sản xuất hàng hóa ở Lộc Bình.
Nguyễn Nhật Anh
Ý kiến ()