Thư viện trường học thân thiện: Không gian học tập “mở” của học sinh
Giờ đọc sách tại “Thư viện xanh” của học sinh Trường Tiểu học xã Minh Sơn (Hữu Lũng)
Mở rộng phong trào xây dựng thư viện thân thiện
Từ năm 2008, cùng với việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, thực hiện Chỉ thị số 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã chỉ đạo mạnh mẽ công tác xây dựng, phát huy vai trò của thư viện trường học trong công tác giáo dục toàn diện.
Năm 2015, sau 7 năm thực hiện chủ trương này, toàn ngành GD&ĐT đã có 517 trường học có thư viện hoặc phòng đọc, đạt tỷ lệ 100% số trường từ cấp tiểu học đến các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp. Từ thực tiễn của mình, các nhà trường đã có cách làm sáng tạo trong tổ chức thư viện phù hợp với lứa tuổi học sinh như: thư viện đa chức năng, thư viện góc lớp, thư viện ngoài trời.
Như vậy, thư viện đã mang diện mạo mới với các hoạt động phong phú hơn, đa dạng hơn, phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh. Ngành GD&ĐT thành phố Lạng Sơn đã có 100% trường phổ thông có thư viện đạt chuẩn; tại các huyện khác, tỷ lệ thư viện đạt chuẩn tỷ lệ thuận với trường học đạt chuẩn quốc gia. Việc xây dựng thư viện thân thiện được lấy từ nhiều nguồn, trong đó nguồn xã hội hóa giữ vai trò chủ đạo. Trong học kỳ I năm học 2015-2016, toàn ngành đã huy động trên 16 tỷ đồng, gần 70 ngàn ngày công để tăng cường cơ sở vật chất cho trường học, trong đó có xây dựng cảnh quan nhà trường, xây dựng thư viện thân thiện.
Phòng GD&ĐT Hữu Lũng đã quyên góp 4.192 cuốn sách và trên 68 triệu đồng cho thư viện trường học. Sách, tài liệu cho thư viện không ngừng được tăng cường nhờ mua sắm bổ sung và có sự trao đổi giữa các nhà trường và thư viện văn hóa địa phương. Cô giáo Đào Thị Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Sơn 2 (Hữu Lũng) cho biết: ngoài 251 bản sách giáo viên, sách tham khảo, trên 3.600 bản sách giáo khoa, 70 bản sách giáo dục đạo đức, pháp luật, thư viện nhà trường có trên 1.000 quyển truyện, 5 đầu báo, tạp chí, trung bình mỗi học sinh có trên 6 quyển truyện để đọc.
Hiệu quả và những khó khăn
Thư viện là một thiết chế không thể thiếu đối với trường học, nhất là đối với học sinh bán trú, nội trú. Thống kê nhân phát động “Tuần lễ học tập suốt đời” tháng 10/2015, số học sinh phổ thông đến thư viện nhà trường đã nhiều gấp 3 lần so với cách đây 7 năm. Số này đặc biệt tăng cao đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Em Lương Thị Ban, học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Thanh Lòa (Cao Lộc) cho biết: ở bán trú đến cuối tuần mới về, ngoài giờ tự học, xem ti vi, chúng em thường xuyên đến thư viện nhà trường, đến nhiều thành thói quen, ở đó em đọc được nhiều điều mà sách giáo khoa không có.
Có thư viện, nhiều trường học đã có việc làm hiệu quả như: tổ chức thi giới thiệu sách, thi kể chuyện dựa theo sách tại lớp vào giờ sinh hoạt; thi tổ chức giới thiệu sách hay, biểu diễn kịch, tiểu phẩm phỏng theo trích đoạn truyện… Những việc làm này có tác dụng thiết thực trong phát triển tri thức, bồi dưỡng kỹ năng phát triển tư duy, kỹ năng sống.
Tuy nhiên, công tác xây dựng thư viện thân thiện chưa tương xứng với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và mô hình “ Trường học công viên”. Nếu tất cả 144 trường đạt chuẩn quốc gia, các trường theo mô hình trường học mới VNEN đã xây dựng được thư viện thân thiện, thì những trường còn lại đều đang trong quá trình triển khai. Đồng chí Trần Thị Ánh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết: trong 57 trường tiểu học và THCS trên địa bàn, mặc dù tất cả đã có thư viện, song mới chỉ có 16 trường chuẩn quốc gia có thư viện thân thiện; số còn lại cũng chỉ là những phòng thư viện với chức năng cho mượn chứ chưa thực sự có nơi cho học sinh đọc sách.
Ý kiến ()