Thư viện thân thiện - lớp học “ mở” tại các nhà trường
LSO-Với tỷ lệ 100% trường học từ tiểu học đến THPT và các trung tâm GDTX có thư viện, với đội ngũ giáo viên thư viện có trình độ từ trung cấp trở lên, trong 5 năm thực hiện phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thư viện các nhà trường đã có sự khởi sắc , đáp ứng nhu cầu đọc và tìm hiểu thông tin của giáo viên và học sinh
Giờ đọc sách trong thư viện thân thiện của Trường Tiểu học xã Thụy Hùng (Cao Lộc) |
Theo thống kê của ngành GD&ĐT, bước vào đầu năm học mới 2013-2014, song song với việc bổ sung, luân chuyển đội ngũ giáo viên văn hóa, ngành đã rất quan tâm đến đội ngũ giáo viên các môn học đặc thù như nhạc, họa, thể dục và đặc biệt là giáo viên thư viện. Hiện toàn ngành đã có đội ngũ giáo viên thư viện trên 500 người với 90% có trình độ trung cấp và 10% có trình độ cao đẳng trở lên, đủ biên chế cho tất cả các trường phổ thông. Bên cạnh đó, các phòng GD&ĐT, các nhà trường đã quan tâm tạo dựng cơ sở vật chất như nguồn sách báo, kho sách, phòng đọc, phòng mượn…Với sự sáng tạo của giáo viên thư viện, được sự ủng hộ tạo điều kiện của nhà trường, nhiều mô hình thư viện thân thiện tại các trường chuẩn Quốc gia đã phát huy tác dụng trong công tác giáo dục toàn diện cho học sinh như Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Vĩnh Trại, THCS Tam Thanh, THCS Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn), Tiểu học 1 thị trấn Hữu Lũng (Hữu Lũng), Tiểu học thị trấn Cao Lộc (Cao Lộc)… Tại các trường này, ngoài phòng thư viện khang trang đủ diện tích cho phòng mượn, phòng đọc, giáo viên thư viện còn tổ chức các góc thư viện tại các lớp với các chủ đề góc nghệ thuật, góc trò chơi, góc địa phương…phân loại sách và bố trí các tủ sách theo các chuyên đề như sách văn học, sách giáo dục đạo đức, sách Hồ Chí Minh, sách gương người tốt việc tốt…Cô giáo Nguyễn Thị Lan, giáo viên thư viện Trường Tiểu học 1 thị trấn Hữu Lũng (Hữu Lũng) cho biết: với kinh nghiệm 8 năm làm công tác thư viện trường học, cô đã có nhiều sáng tạo tổ chức các loại hình thư viện như ở góc lớp, ngoài trời với nhiều chủ đề, làm cho thư viện nhà trường trở thành điểm thu hút học sinh. Tuy vậy cũng còn rất nhiều trường khó khăn trong bố trí thư viện. Nhìn các em học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Vân Mộng (Văn Quan) đang mải mê với những cuốn sách trong căn phòng nhỏ được trưng dụng từ nhà công vụ của giáo viên, ông Đổng Tiến Dũng, Trưởng Phòng GD huyện Văn Quan nói với chúng tôi rằng, học sinh vùng cao, vùng nông thôn rất thích đọc sách nhưng đáp ứng được sở thích này cho các em lại là việc khá nan giải. Trừ những trường được đầu tư xây dựng các phòng chức năng khá quy mô theo quy định, nhìn chung các nhà trường thường dùng lớp học, phòng công vụ của giáo viên…được xây dựng chắc chắn, cao ráo, sạch sẽ làm thư viện. Những phòng như thế này vừa là nơi trưng bày, bảo quản, là nơi cho mượn và kiêm luôn phòng đọc nên còn chật chội. Tuy vậy, với sự khát khao được đọc và tìm hiểu nên các em vẫn đến với thư viện như tìm đến những kiến thức bổ trợ ngoài nhà trường.
Theo bà Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc thường trực Sở GD&ĐT, vấn đề sách báo, tạp chí cho thư viện nhà trường do được bổ sung thay thế từ nhiều nguồn nên không thiếu, tính trung bình mỗi trường trên 2000 cuốn sách, nhiều trường có từ 3000 đến 5000 cuốn sách và từ 10 đến 15 đầu báo, tạp chí. Cơ sở vật chất cũng có thể khắc phục được, vấn đề còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của đội ngũ giáo viên thư viện để có thể đưa độc giả đến với thư viện của mình. Vì vậy, công tác biên soạn, giới thiệu sách giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong Hội thi giáo viên thư viện giỏi đầu tháng 10/2013, số giáo viên được xếp loại giỏi và xuất sắc chiếm 53,8% (tương đương tỷ lệ giáo viên giỏi các bộ môn văn hóa). Đặc biệt có những giáo viên xuất sắc trong công tác giới thiệu sách như cô giáo Vi Thị Tươi, Trường THCS xã Gia Cát (Cao Lộc), cô Nguyễn Thị Lan, Trường Tiểu học thị trấn Hữu Lũng (Hữu Lũng), cô Vy Thị Thùy, Trường THPT Văn Lãng (Văn Lãng)… Đây là những nhân tố điển hình trong đội ngũ giáo viên thư viện. Tuy vậy, công tác thư viện nhà trường còn gặp nhiều khó khăn như nguồn sách còn nghèo nàn, lạc hậu; các điểm trường luôn thiếu sách, độc giả chưa phong phú. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều phòng GD&ĐT, nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến công tác thư viện nên bố trí ở những phòng chật chội, xập xệ, không đảm bảo an toàn cho công tác trưng bày và nhu cầu đọc tại chỗ. Việc luân chuyển sách báo chưa được thường xuyên, tồn nhiều sách cũ gây nhàm chán. Việc giới thiệu sách chưa được quan tâm nên số lượng độc giả ít.
Là một thiết chế quan trọng của nhà trường, thư viện trường học phải được quan tâm đồng bộ. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng trường học đạt chuẩn QG, thư viện phải đi trước một bước. Song song với củng cố thư viện truyền thống, cần phải tạo ra các loại hình thư viện như thư viện thông minh, thư viện thân thiện…tất cả để thu hút sự quan tâm của đội ngũ giáo viên, học sinh và vươn tới cả đội ngũ phụ huynh học sinh.
Ý kiến ()