Thư viện Quân đội bắt nhịp cùng chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) là một xu thế tất yếu, diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra sự phát triển đột phá và ngành thư viện cũng không nằm ngoài xu hướng này. Thực hiện chủ trương CĐS của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quan tâm lãnh đạo, đầu tư và triển khai nhiều dự án về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa, hiện đại hóa cho các cơ quan, đơn vị trong quân đội; trong đó, nhiều dự án liên quan đến ngành thông tin, thư viện (TT, TV).
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân có số lượng tài liệu nội sinh vô cùng lớn, gồm: Các tạp chí chuyên ngành quân sự, quốc phòng (QS, QP); kỷ yếu hội thảo khoa học chuyên ngành; tài liệu đào tạo, huấn luyện; luận án, luận văn… Đây là nguồn tư liệu quý không chỉ của Bộ Quốc phòng mà còn của Nhà nước, quốc gia về lĩnh vực QS, QP.
Nhân viên Thư viện Quân đội giới thiệu với lãnh đạo Tổng cục Chính trị về nguồn tài nguyên thông tin số trên mạng quân sự và mạng internet. |
Vì vậy, việc số hóa, tích hợp dữ liệu, quản lý, khai thác, sử dụng chung tài nguyên thông tin nội sinh phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách, xây dựng đường lối, chiến lược QS, QP; phục vụ đào tạo, huấn luyện; góp phần định hướng thông tin, phát triển văn hóa đọc, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ là vô cùng cần thiết và mang lại nhiều giá trị, cả trước mắt và lâu dài.
Thời gian qua, hoạt động CĐS nói chung và CĐS ngành TT, TV nói riêng đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo bước chuyển biến rõ nét trong sự phát triển của ngành. Theo Quy hoạch hệ thống Thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tại Quyết định số 3672/QĐ-BQP ngày 24-11-2020 của Bộ Quốc phòng: Giai đoạn 2021-2025, từng bước hiện đại hóa hoạt động thư viện, ứng dụng thí điểm đọc sách, báo điện tử cho một số thư viện cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn đủ quân. Định hướng đến năm 2030 sẽ thực hiện hiện đại hóa hoạt động TT, TV, ứng dụng phổ biến thư viện điện tử cho hệ thống thư viện các cấp.
Ngoài ra, Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10-11-2020 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong QĐND Việt Nam, quy định: Đối với đơn vị được trang bị đủ máy vi tính có nối mạng internet và mạng truyền dữ liệu quân sự, các thư viện, phòng đọc, ngoài bảo đảm sách giấy theo quy định còn bảo đảm 5.000 trang sách điện tử/người/năm.
Đến nay, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng), thư viện thuộc các học viện, nhà trường, cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng đã ứng dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp, kết nối mạng truyền dữ liệu quân sự, được đầu tư trang thiết bị hiện đại; tích hợp, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng chung CNTT trên hệ thống thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng thông qua mạng truyền dữ liệu quân sự.
Nhìn chung, các cơ quan TT, TV trong Quân đội từng bước đẩy mạnh ứng dụng CNTT, khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, việc đầu tư chưa thực sự đồng bộ, chưa phát huy hết hiệu quả ứng dụng CNTT… Hiện vẫn còn nhiều thư viện, phòng đọc cơ sở chưa được kết nối mạng truyền dữ liệu quân sự, chưa được đầu tư, trang bị đồng bộ, thống nhất từ phần mềm cho đến trang thiết bị CNTT nên gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình cung cấp, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung tài nguyên thông tin trong hệ thống thư viện của Quân đội.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả nội dung CĐS trong ngành thư viện theo các chương trình, đề án, quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của thủ trưởng các cấp, các cơ quan chức năng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện để đẩy mạnh CĐS. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch, dự án CĐS một cách đồng bộ, với quyết tâm cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Khẩn trương hoàn thiện kết nối mạng truyền dữ liệu quân sự đến các thư viện, phòng đọc ở các cơ quan, đơn vị toàn quân nhằm tạo sự liên thông, liên kết; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, các thiết bị đọc, thiết bị khai thác tài liệu số; xây dựng phần mềm quản trị thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong hoạt động TT, TV như: Big data, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, thực tế ảo, công nghệ Blockchain, internet vạn vật; áp dụng các tiêu chuẩn nghiệp vụ mang tính quốc gia, quốc tế đối với tài liệu số.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tạo lập, tổ chức tài nguyên thông tin số, đặc biệt là nguồn tài nguyên thông tin số nội sinh của Bộ Quốc phòng. Trước mắt, nghiên cứu xây dựng, phát triển các bộ sưu tập số chuyên ngành như: Giáo trình, bài giảng, kỷ yếu hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đề tài nguyên cứu khoa học về QS, QP, các xuất bản phẩm xuất bản trong Quân đội. Xây dựng các cơ sở dữ liệu, dữ kiện về các cơ quan, đơn vị trong quân đội; các trận đánh, chiến dịch; các tướng lĩnh; các Anh hùng LLVT nhân dân; các tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng để phục vụ tra cứu, sử dụng chung trong Bộ Quốc phòng.
Tăng cường quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện. Nhất là cần bổ sung nguồn nhân lực thư viện có khả năng xây dựng, quản trị thư viện số, tri thức số và lực lượng chuyên sâu về quản trị mạng theo tiêu chí tinh, gọn, mạnh; sẵn sàng bổ sung nguồn nhân lực cho Quân đội, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, SSCĐ trong chiến tranh thông tin, tác chiến trên không gian mạng.
Ý kiến ()