LSO-Trong cái khó về cơ sở vật chất (CSVC), các điều kiện phục vụ bạn đọc và khi văn hóa đọc của người dân chưa được nâng cao, thư viện huyện Chi Lăng đã tìm ra phương thức mới để sách báo có dịp tiếp cận nhiều hơn với bạn đọc.Các em học sinh Trường tiểu học Vân Thủy (Chi Lăng) trong thư việnTrong 1 căn phòng “đa chức năng” chỉ rộng chừng 16m2 vừa là kho sách, nơi tiếp đón bạn đọc, nơi làm việc của thủ thư, mặc dù chủ của nó đã khéo sắp xếp lắm cũng không thể tránh khỏi sự quá chật chội. Với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng mỗi lần vào lấy sách cho khách, chị Vi Thị Xoan phải nghiêng người mới chen vào được giữa các ngăn tủ. Ở thị trấn Đồng Mỏ, nhiều người cao tuổi muốn đến thư viện tìm sách báo để thư giãn song thậm chí không có chỗ nào để…đứng mà đọc. Vì vậy, số lượng bạn đọc cứ vơi dần. Không chán sách nhưng chán với CSVC của thư viện, nên ngay cả số thẻ mượn cũng ít dần đi. Nếu năm 2009 thư viện duy...
LSO-Trong cái khó về cơ sở vật chất (CSVC), các điều kiện phục vụ bạn đọc và khi văn hóa đọc của người dân chưa được nâng cao, thư viện huyện Chi Lăng đã tìm ra phương thức mới để sách báo có dịp tiếp cận nhiều hơn với bạn đọc.
|
Các em học sinh Trường tiểu học Vân Thủy (Chi Lăng) trong thư viện |
Trong 1 căn phòng “đa chức năng” chỉ rộng chừng 16m2 vừa là kho sách, nơi tiếp đón bạn đọc, nơi làm việc của thủ thư, mặc dù chủ của nó đã khéo sắp xếp lắm cũng không thể tránh khỏi sự quá chật chội. Với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng mỗi lần vào lấy sách cho khách, chị Vi Thị Xoan phải nghiêng người mới chen vào được giữa các ngăn tủ.
Ở thị trấn Đồng Mỏ, nhiều người cao tuổi muốn đến thư viện tìm sách báo để thư giãn song thậm chí không có chỗ nào để…đứng mà đọc. Vì vậy, số lượng bạn đọc cứ vơi dần. Không chán sách nhưng chán với CSVC của thư viện, nên ngay cả số thẻ mượn cũng ít dần đi. Nếu năm 2009 thư viện duy trì 84 thẻ mượn với 4130 lượt bạn đọc, thì năm 2010 chỉ còn 75 thẻ mượn với 2262 lượt bạn đọc.
Nhìn hơn 20 đầu báo và trên 10 ngàn cuốn sách với sự phong phú về chủng loại, đề tài, kho kiến thức quý giá của nhân loại cứ nằm im trong các ngăn các kệ, hai nhân viên ở đây buồn lắm. Phương án chuyển sách về cơ sở, xây dựng tủ sách văn hóa cấp xã được thực thi; song cũng chỉ được một thời gian ngắn. Nguyên nhân là các trụ sở xã vốn đã chật hẹp, nhiều bộ phận làm việc, nếu ghép sách văn hóa vào tủ sách pháp luật thì không có chỗ; vả lại, đó là trụ sở hành chính cấp xã, nên ít ai đến xem và mượn. Nếu để ở cấp thôn bản, nhờ nhà dân và có người phụ trách, thì do không có phụ cấp nên không ai nhận làm, và nếu có làm thì cũng chỉ “mang đến lại mang về”, họ sợ mất và rách sách, nên không cho người dân mượn về nhà.
Năm 2007, khi thư viện chuyển 600 đầu sách về Trung tâm học tập cộng đồng xã Chi Lăng với hy vọng thu hút bạn đọc, nhưng vẫn trong tình trạng không có người quản và đối tượng người mượn chỉ là số ít cán bộ xã, nên kém hiệu quả. Người ta bèn chuyển toàn bộ số sách này sang trường THSC xã; không ngờ “nó” được đón nhận và sử dụng. Cơ hội mới để sách “sống chung” với con người đã mở ra.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, nhân viên thư viện nói rằng, từ mô hình của Trường THCS xã Chi Lăng, thư viện huyện đã tham mưu cho lãnh đạo Phòng Văn hóa & thông tin ký Kế hoạch Liên ngành về phối hợp tổ chức phòng đọc, mượn sách báo và luân chuyển sách lưu động của thư viện huyện đến các thư viện trường học trên địa bàn huyện. Thực hiện kế hoạch này, mỗi năm học có 2 đợt luân chuyển sách văn hóa đến thư viện trường học; năm học 2009-2010 đã có 2 đợt luân chuyển tới 6 điểm thư viện trường học, với 668 bản sách; trong năm học đã phát triển được 712 thẻ bạn đọc với tổng số 2.640 lượt bạn đọc, số lượt sách luân chuyển đã đạt 4.869 lượt; ngoài các trường khu vực thuận lợi như Quang Lang, Chi Lăng…còn có các trường vùng khó khăn như Chiến Thắng, Liên Sơn, Hữu Kiên…
Phát huy thành quả đã đạt được, năm học 2010-2011, thư viện phát triển thêm 7 trường và đã có tổng số 1.223 ngày mở cửa, số bản sách đã có là 1380 bản, số thẻ bạn đọc đã đạt 1.114 thẻ; số lượt bạn đọc đã đạt 4.612 lượt và 11.048 lượt bạn đọc. Đầu năm học 2011-2012 này phát triển được 11 điểm trường, đưa tổng số các điểm trường có sách văn hóa trong thư viện trường học lên 24 điểm. Sách về đến thư viện nhà trường không những giúp làm tăng số bạn đọc, qua đó, làm cho sức sống của kiến thức được bắt đầu từ trẻ em, mà còn khơi gợi tình yêu đối với sách báo, mở ra một hướng đi mới để khai thác lượng khách hàng tiềm năng là đối tượng học sinh.
Cô giáo Hoàng Thị Huệ, nhân viên thư viện và thiết bị trường học của Trường Tiểu học xã Vân Thủy cho rằng, sách của thư viện huyện đưa đến thư viện của 1 trường tiểu học lại phần lớn là sách văn học nghệ thuật, y học cổ truyền, kỹ thuật nông nghiệp… chưa thật phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Vẫn biết rằng, trong điều kiện của một thư viện văn hóa, thư viện Chi Lăng chỉ có thể đưa những gì mình có, chứ chưa thể đáp ứng được những ấn phẩm mà các nhà trường cần, nhưng nếu có sự chọn lọc kỹ thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Ba năm phối hợp giữa thư viện văn hóa và thư viện trường học, những kết quả đạt được đã khẳng định hướng đi đúng. Nếu thư viện huyện khai thác tốt hơn mảng sách thiếu nhi, đảm bảo vòng luân chuyển nhanh hơn; các nhà trường kết hợp tốt hơn giữa sách văn hóa và sách trường học để hướng dẫn học sinh đọc sách… nhất định sách văn hóa sẽ có vị trí xứng đáng trong bạn đọc học sinh.
Minh Hồng
Ý kiến ()