Thủ tướng trao 'chiếc áo cơ chế' đặc thù cho TPHCM
Thủ tướng Chính phủ vừa có hàng loạt quyết định mà qua đó, cơ chế đặc thù cho TPHCM bắt đầu được hình thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra an toàn thực phẩm tại TPHCM, sáng 8/10. |
Ngày 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.
Đây là cơ quan trực thuộc UBND Thành phố, có chức năng giúp UBND Thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng. Thời gian thực hiện thí điểm 3 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành.
Tuy Quyết định của Thủ tướng rất ngắn gọn, nhưng lại mang ý nghĩa lớn. Lãnh đạo UBND Thành phố đã nhiều lần tha thiết đề nghị phải có những cơ chế đặc thù cho địa phương được coi là “đầu tàu” cả nước. Trong đó, riêng với lĩnh vực an toàn thực phẩm, cần lập một cơ quan riêng, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ hiện đang được giao cho nhiều sở ngành như Y tế, Công Thương, NN&PTNT…
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã nhiều lần nhắc tới việc “Thành phố lâu nay được giao nhiệm vụ đầu tàu cả nước nhưng cơ chế vẫn như với toa tàu”. Một ví dụ nổi bật được ông Phong nhắc tới, là tuy chiếm tới khoảng 1/5 GDP và gần 1/3 thu ngân sách cả nước, nhưng số lượng cán bộ, công chức của TPHCM cũng như mức lương lại vẫn theo quy định chung, trong khi khối lượng công việc vô cùng lớn.
Trên thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm tới công tác phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành, đặc biệt cho TPHCM. Ông nhiều lần nhấn mạnh phải hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, phân cấp, ủy quyền rõ ràng hơn, tinh thần là cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt thì để bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng.
Trong đó, việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm là nhiệm vụ rất quan trọng, được Thủ tướng rất quan tâm. Hồi tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở TPHCM rằng việc thí điểm mô hình này có ý nghĩa cả nước, cần thực hiện càng nhanh càng tốt. Ông cũng yêu cầu các bộ xử lý hết sức nhanh những vấn đề liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ có vậy, với tinh thần phân cấp mạnh nhất, triệt để nhất cho Thành phố, cuối tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương thí điểm tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND TP về một loạt những vấn đề vốn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đây đều là những vấn đề nóng, bức xúc, được chính quyền và người dân TP hết sức quan tâm. Như Thành phố quy định một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp; quy định hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh nhưng chưa được quy định là vi phạm hành chính và quy định mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt.
Cùng với đó là thành lập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố; quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức thi nâng ngạch, chuyển xếp ngạch, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thu nhập phù hợp.
Đặc biệt, một vấn đề đang rất bức xúc tại TPHCM là việc cải tạo các chung cư cũ. Theo Sở Xây dựng, Thành phố có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, trong đó 44 chung cư hư hỏng nặng, xếp loại cấp độ nguy hiểm cao nhất. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng lại các chung cư cũ hiện rất chậm. Một trong những nguyên nhân là các thủ tục kéo dài, lại “đổ dồn” lên UBND Thành phố và các Sở ngành trong khi số lượng chung cư cần cải tạo quá lớn.
Nay, Thủ tướng đồng ý cho Thành phố phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm.
UBND Thành phố cũng được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn với điều kiện phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án khả thi, an toàn và hiệu quả cao nhất; Chủ tịch UBND Thành phố quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, có thể nói cơ chế đặc thù cho TPHCM đang dần hình thành. Trong thời gian tới, những cơ chế đặc thù này sẽ giúp Thành phố chủ động hơn, tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, làm tốt hơn vai trò “đầu tàu” cả nước.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()