Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Chiều 17-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Kang Kyung-wha có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường quan hệ hai nước. Thủ tướng nêu rõ, hai nước là đối tác chiến lược, tin cậy, chia sẻ nhiều lợi ích; Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam…
Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha nhắc lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp trong những lần được gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam; nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vẫn luôn quan tâm, ủng hộ, có các giải pháp hiệu quả thúc đẩy quan hệ hai nước. Bộ trưởng chuyển lời thăm hỏi của Tổng thống Hàn Quốc tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm nối lại các cuộc trao đổi đoàn cấp cao.
Bà cũng bày tỏ ấn tượng về Việt Nam kiểm soát được đại dịch Covid-19; hai nước vẫn nỗ lực thực hiện giao lưu trong bối cảnh đại dịch. Bà cho biết, hiện có rất nhiều người Hàn Quốc đang mong muốn được nhập cảnh Việt Nam để làm ăn và ngược lại, nhiều người Việt Nam muốn sang Hàn Quốc để học tập, làm ăn. Điều đó cho thấy giao lưu nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước. Phía Hàn Quốc cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng hy vọng hai nước thống nhất quy trình nhập cảnh đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp Hàn Quốc được vào Việt Nam với thủ tục, quy trình rút gọn hơn nữa.
Cảm ơn ý kiến của Bộ trưởng Kang Kyung-wha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tạo mọi điều kiện cho các chuyên gia, nhà quản lý Hàn Quốc trong thời gian qua vào Việt Nam để phục vụ đầu tư, làm ăn; ủng hộ “Chính sách hướng nam mới” của Hàn Quốc; hai bên cần đẩy mạnh giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác. Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc phối hợp có các biện pháp hiệu quả, tạo thuận lợi về thủ tục để hai bên sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD.
Việt Nam là nước nhập siêu lớn từ Hàn Quốc, do đó hai bên cần tiến tới cân bằng thương mại song phương. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư, làm ăn thành công tại Việt Nam và thông qua đó đóng góp vào thành công của quan hệ hai nước. Thủ tướng cũng mong Hàn Quốc giảm, tiến tới bỏ các điều kiện ràng buộc đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi, mở rộng các khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam; tăng cường tiếp nhận lao động Việt Nam, dành nhiều quan tâm, hỗ trợ hơn nữa cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng mong Hàn Quốc tiếp tục duy trì ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, hàng không; thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Qua Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi tới Tổng thống và Thủ tướng Hàn Quốc.
Bộ trưởng Kang Kyung-wha cam kết Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ Việt Nam; tạo thuận lợi, tăng cường tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc, nhất là các lao động đã qua đào tạo. Hàn Quốc có đồng quan điểm với Việt Nam về Biển Đông, nhất là bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; thực hiện tốt DOC, tiến tới COC.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, chúc mừng ông Andrew Jeffries được bổ nhiệm làm Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng ông sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác Việt Nam – ADB; khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là đối tác thân thiết, gắn bó, đối tác phát triển quan trọng Nhiều công trình, dự án của ADB đã đóng góp quan trọng, hiệu quả, hỗ trợ to lớn cho phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.
Giám đốc Quốc gia ADB Andrew Jeffries tại Việt Nam nêu rõ hai bên có quan hệ khăng khít thời gian qua; cảm ơn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, hợp tác hiệu quả với ADB trong suốt thời gian qua; nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng, năng động trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2021-2025 và trong 10 năm tới, ADB cũng đang xây dựng chiến lược đối tác quốc gia 5-10 năm tới, mong hai chiến lược này phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam. ADB đang thay đổi cách tiếp cận để hành động phù hợp hơn, hướng đến khối doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn cho quá trình phát triển.
Ông chúc mừng Chính phủ Việt Nam ứng phó thành công đại dịch Covid-19, đồng thời vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội. ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19; sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi với các đối tác Việt Nam để tìm giải pháp, cách thức hỗ trợ Việt Nam phát triển hiệu quả nhất.
Cảm ơn ý kiến của ông Andrew Jeffries, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, và phục hồi đà tăng trưởng. Việt Nam đã chủ trương thực hiện mục tiêu kép; phòng, chống dịch đồng thời với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Về đề xuất ba khoản vay hỗ trợ ngân sách của ADB cho Việt Nam trị giá khoảng 900 triệu USD, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao ADB đã tăng gấp ba lần gói hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, ứng phó đại dịch. Về định hướng hợp tác Việt Nam – ADB, Thủ tướng nêu rõ, ADB là đối tác truyền thống của Việt Nam, do đó mong ADB sẽ phối hợp, hợp tác tốt hơn nữa. Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ADB: Hỗ trợ xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025 và phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược Đối tác quốc gia cho giai đoạn mới (2021-2025). Phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã đàm phán, ký kết trong danh mục giai đoạn 2020-2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đề nghị hai bên có giải pháp để thúc đẩy mạnh hơn nữa giải ngân các khoản vay của ADB.
Về định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi trong đó có nguồn vốn vay của ADB, phù hợp Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sắp được Quốc hội thông qua và Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án. Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị tốt các dự án có chất lượng thật sự hiệu quả, cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển.
Ý kiến ()