Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển KT - XH tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
Thành phố Đà Lạt (Ảnh minh hoạ. Nguồn: ctld.gov.vn)Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 14,5 - 15% và giai đoạn 2016 - 2020 tăng 13,5-14%/năm. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 44,5 - 46,2 triệu đồng (khoảng 2.200 - 2.300 USD) và vào năm 2020 đạt 92 - 100 triệu đồng (khoảng 3.500 - 3.800 USD). Về phát triển xã hội, Lâm Đồng phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn 2%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 8% vào năm 2015 và đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.Quy hoạch nêu rõ, phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả tài nguyên khí hậu, phát triển du lịch...
Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.
Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2011 – 2020 đạt 14,5 – 15% và giai đoạn 2016 – 2020 tăng 13,5-14%/năm. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 44,5 – 46,2 triệu đồng (khoảng 2.200 – 2.300 USD) và vào năm 2020 đạt 92 – 100 triệu đồng (khoảng 3.500 – 3.800 USD). Về phát triển xã hội, Lâm Đồng phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn 2%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 8% vào năm 2015 và đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
Quy hoạch nêu rõ, phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả tài nguyên khí hậu, phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực để đến năm 2020 ngành du lịch chiếm tỷ trọng trên 10% trong cơ cấu GDP. Phấn đấu xây dựng Thành phố Đà Lạt trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, hợp tác xây dựng các tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ để hình thành các tam giác phát triển du lịch: Đà Lạt – Thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang; Đà Lạt – Phan Thiết – Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Lạt – Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Lạt – Đắc Lắk – Thành phố Hồ Chí Minh. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2015 thu hút khoảng 4,5 – 5 triệu lượt khách và đạt 6 – 6,5 triệu lượt khách vào năm 2020, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10%; tăng thời gian lưu trú bình quân lên 2,7 ngày vào năm 2015 và 3 ngày vào năm 2020.
Đối với lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, định hướng sẽ phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là rau, hoa, dâu tây tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng: chè tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh,… Trên cơ sở ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 280.000 ha, quy hoạch, bố trí lại cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đến năm 2020 diện tích cây cà phê khoảng 135.000 ha (cà phê chè chiếm khoảng 20% diện tích); chè 29.000 – 30.000 ha (chè chất lượng cao 5.000 ha); cây điều khoảng 12.000 ha; phát triển các loại rau, hoa quả ôn đới cao cấp với diện tích gieo trồng đạt 60.000 ha, trong đó 20% diện tích đất sản xuất áp dụng công nghệ cao; ổn định diện tích gieo trồng cây lương thực khoảng 55.000 ha. Phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm và đến năm 2020 đạt 120 – 150 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2015 có trên 30% và năm 2020 có trên 50% số xã đạt tiêu chí về nông thôn mới./. |
Theo Website Dangcongsanvn
Ý kiến ()