Thủ tướng phê duyệt đề án Đoàn Thanh niên tham gia bảo vệ môi trường
Đề án nhằm nâng cao nhận thức và hướng tới thay đổi hành vi cho thanh thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2022.”
Đề án nhằm nâng cao nhận thức và hướng tới thay đổi hành vi cho thanh thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hàng năm, 100% tổ chức Đoàn các cấp tổ chức ít nhất 1 hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; 100% chi đoàn trên địa bàn dân cư đăng ký đảm nhận và triển khai thực hiện “Tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp;” các cấp bộ Đoàn triển khai hiệu quả Chương trình “Vì một Việt Nam xanh,” tổ chức trồng mới 30 triệu cây xanh.
Triển khai thực hiện 200 công trình thanh niên cấp tỉnh, 1.600 công trình thanh niên cấp huyện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường , ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xây dựng 250 nhà tránh lũ cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực miền Trung.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, tuyên truyền trực quan như sử dụng hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi; biên tập và phát hành các tài liệu sinh hoạt chi đoàn-chi hội-chi đội…
Bên cạnh đó, tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình: Xây dựng các chuyên mục dài kỳ, phóng sự truyền hình, viết tin, bài phản ánh về hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của thanh niên trên hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; tổ chức các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình truyền hình tương tác về bảo vệ môi trường giữa đoàn viên, thanh niên và người dân trên truyền hình.
Về tuyên truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, xây dựng bộ sản phẩm tuyên truyền hiện đại về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai phần mềm tra cứu thông tin về môi trường, thông tin cảnh báo thiên tai, thông tin về giải pháp, công nghệ bảo vệ môi trường.
Hàng năm, phát động và triển khai chiến dịch truyền thông thông qua tổ chức các chiến dịch, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi, hoạt động của thanh niên để hưởng ứng các sự kiện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thiết kế, biên tập và in các ấn phẩm truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu .
Thành lập các đội tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường của thanh niên tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân địa phương thay đổi hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt gây hại đối với môi trường.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường
Giải pháp khác của Đề án là xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đoàn viên, thanh niên.
Cụ thể, tiếp tục triển khai hiệu quả và xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; vận động đoàn viên, thanh niên sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thân thiện với môi trường, thực hiện xả thải đúng quy định, xây dựng các mô hình kinh tế xanh; hướng dẫn thành lập và duy trì các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường; hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động của các đội hình thanh niên xung kích tham gia làm sạch bờ biển; các đội hình thanh niên tình nguyện chuyên sâu phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân trong xử lý sự cố môi trường; các câu lạc bộ thanh niên tình nguyện về bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh,” xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện, năng lượng; xây dựng nhà tránh lũ và các công trình bể chứa nước, bể lọc nước… cho đoàn viên, thanh niên và người dân tại các khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng của bão, lũ; triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân thích ứng với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()