Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để thu hút nhân tài khoa học công nghệ
Chiều 17-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5. Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 10 càng có ý nghĩa hơn khi năm nay, ngành Khoa học và Công nghệ kỷ niệm tròn 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Trong đó Người đã nhấn mạnh nhiệm vụ của khoa học và công nghệ là phải cải tiến lề lối sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn đối với định hướng phát triển lâu dài của nền khoa học và công nghệ nước nhà và đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng tại buổi lễ. |
“Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.
“Để làm được điều đó, cần có sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của lực lượng khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, rất cần có sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cũng như sự chung tay của toàn xã hội để những người làm khoa học kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê, vượt lên khó khăn, thách thức tạo ra nhiều thành quả thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Tại buổi lễ, ông La Văn Nam, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết: Ngày 25-6-2008, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và cũng thuộc trong nhóm sản phẩm cây ăn quả đầu tiên trong cả nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Hiện vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Mỹ. Vải thiều Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021. Hiện vải thiều được tiêu thụ ở nhiều siêu thị trong nước, xuất khẩu trên 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ…
Theo ông La Văn Nam, việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng; danh tiếng uy tín, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu. Sau khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ. |
Chia sẻ câu chuyện đưa chanh leo về Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group kể, năm 2000 ông bắt đầu tiếp cận nhà khoa học từ Đài Loan (Trung Quốc) đưa giống chanh leo về Việt Nam, thành lập viện nghiên cứu tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đến nay, công ty đã có chuỗi quản lý vùng trồng, hướng tới nguồn thu nhập tỷ đô từ cây chanh leo.
“Đối với sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ rất quan trọng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao, cần không ngừng cải tiến và đổi mới. Hiện tại đã có hơn 10 giáo sư, 15 tiến sĩ, các trường đại học hợp tác cùng Nafoods. Ở nước ngoài, các viện nghiên cứu ở Đài Loan, Nhật, Australia là đối tác của công ty”, ông Hùng chia sẻ.
Theo Bộ KH&CN, sau 10 năm được tổ chức, Ngày KH&CN đã thực sự trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chọn Ngày KH&CN Việt Nam để vinh danh, trao các giải thưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý khoa học và đông đảo người dân yêu khoa học, say mê nghiên cứu. Nhiều viện, trường, doanh nghiệp đã tổ chức triển lãm các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến hữu ích của sinh viên, học sinh, người lao động; mở cửa các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu cho học sinh, sinh viên và người dân tham quan, tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải các phóng sự, phim tài liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giới thiệu các thành tựu KH&CN thông qua các hình thức viết tin, bài trên các báo, trang thông tin điện tử, nền tảng số và mạng xã hội.
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ. |
Bên cạnh đó, nhiều phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp được tổ chức rộng rãi, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
Có thể nói, các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam trong 10 năm qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; dần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo. Ngày KH&CN Việt Nam cũng là dịp để khẳng định lại vai trò quan trọng của KH&CN, là động lực then chốt trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đã cống hiến thầm lặng và lao động quên mình cho đất nước trong suốt những năm qua. Thủ tướng cũng biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng khoa học công nghệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. |
Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực khoa học công nghệ cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Ðó là, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển chưa tương xứng với tiềm nǎng và vị trí quốc sách hàng đầu; chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển. Hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ còn chậm đổi mới. Sự đầu tư, hạ tầng cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ còn hạn chế, thị trường khoa học công nghệ còn chậm phát triển. Còn thiếu các nhà khoa học đầu ngành; nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ còn mỏng, nhất là những lĩnh vực công nghệ mới. Năng lực nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, chưa có nhiều công trình, phát minh, sáng chế và sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam…
Về quan điểm phát triển khoa học công nghệ, Thủ tướng cho rằng, phát triển khoa học công nghệ phải phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công. Nghiên cứu khoa học vừa phải tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực cơ bản, nền tảng, mang tính lý thuyết, vừa phải giải quyết vấn đề mới những nút thắt mà thực tế đặt ra; đồng thời có tính định hướng, dẫn dắt cho sự phát triển của sản xuất, kinh doanh.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển khoa học công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thúc đẩy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ. Tạo sự đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công.
Tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài khoa học công nghệ; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam trong nước và ngoài nước. Tăng cường thu hút sự tham gia tích cực của các nhà khoa học nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm môi trường tự do học thuật và tự chủ trong nghiên cứu.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ khoa học công nghệ; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp cần coi hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Quan tâm, khuyến khích để người lao động không ngừng cải tiến, sáng tạo trong lao động. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và hấp thụ công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, dấn thân vì khoa học, để niềm đam mê này tiếp tục được trao truyền, lan tỏa sáng các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho phát triển khoa học công nghệ, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với ý chí, quyết tâm và sự nỗ lực của mình, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được trong những năm qua để có những đóng góp ngày càng quan trọng, thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()