Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Sáng 31-12, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo đại hội.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.
Dự đại hội có 434 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 220 hiệp hội doanh nghiệp thành viên và gần 200.000 doanh nghiệp hội viên trong cả nước, trong đó 256 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội, các đại biểu còn lại tham dự trực tuyến tại các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu; 73 đại biểu tham dự trực tuyến tại đơn vị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI. Ảnh: Hồng Minh. |
Cơ cấu đại biểu theo thành phần gồm: 30 đại biểu là đại diện tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, 183 đại biểu là các hiệp hội ngành nghề Trung ương và địa phương, 216 đại biểu là các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, 2 đại biểu là đại diện các hợp tác xã.
Trong số 218 đại biểu doanh nghiệp, đơn vị có số lao động thấp nhất là 100 và đơn vị có số lao động cao nhất là hơn 104.000 lao động. 100% hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đóng góp ngân sách nhà nước thấp nhất 0,4 tỷ, nhiều nhất hơn 100.000 tỷ trong năm 2020.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, VCCI đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chủ yếu Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao. Các hoạt động chính của VCCI như xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại-đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được đẩy mạnh, tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm.
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Hồng Minh. |
Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa. Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao.
VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động… Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc đại hội, đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Đại hội VII của VCCI diễn ra trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và thời cơ đan xen từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ xu hướng chuyển đổi số, từ kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đồng chí Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc. Ảnh: Hồng Minh. |
Các doanh nghiệp đang trông chờ ở đại hội những quyết đáp đổi mới, đáp ứng yêu cầu và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp giúp tận dụng được cơ hội và hóa giải các thách thức nói trên. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đây cũng là khát vọng của dân tộc, và đất nước đang trông chờ ở đại hội và cộng đồng doanh nghiệp những chiến lược, giải pháp để góp phần thực hiện khát vọng này.
Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, đại hội sẽ đưa ra tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh-Quốc gia thịnh vượng; sứ mệnh của VCCI là liên kết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới.
Tại phiên trọng thể hôm nay, đại hội sẽ lắng nghe các ý kiến tham luận của đại biểu, tổ chức ra mắt Ban chấp hành, Ban kiểm tra, Ban Thường trực nhiệm kỳ VII. Đặc biệt, đại hội sẽ được nghe ý kiến phát biểu quan trọng của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ý kiến ()