Thủ tướng Can đã nở nụ cười khi Hạ viện Nhật Bản, đầu tháng 3 vừa qua, với đa số phiếu thường (295 phiếu thuận trên tổng số 480 phiếu), thông qua dự thảo ngân sách 2011 do chính phủ đệ trình bất chấp sự phản đối của các đảng đối lập. Theo quy định của Hiến pháp Nhật Bản, dù Thượng viện có đồng ý hay không, với quyết định trên của Hạ viện, dự thảo ngân sách có giá trị kỷ lục tới 92,4 nghìn tỷ yên đã được QH thông qua trước thời điểm bắt đầu năm tài khóa 2011 (ngày 1-4 tới). Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức rất lớn mà Thủ tướng Can và DPJ phải đối mặt. Trước mắt là việc thông qua tại QH những dự luật liên quan ngân sách, trong đó có dự luật về việc phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách. Nếu dự luật này không được thông qua, chính phủ sẽ không thể phát hành trái phiếu để bù đắp các chi phí chiếm tới 44% ngân sách 2011.
Với các dự luật không phải ngân sách, nếu đã được Hạ viện thông qua mà Thượng viện không thông qua, phải chuyển lại Hạ viện bỏ phiếu lần thứ hai thì lúc đó phải có hai phần ba số phiếu thuận tại Hạ viện mới thông qua được. DPJ đã mất thế đa số tại Thượng viện sau cuộc bầu cử tháng 7-2010. Tại Hạ viện, mặc dù chiếm đa số với 311 ghế Hạ nghị sĩ (HNS), DPJ vẫn cần có thêm bảy phiếu ủng hộ của các đảng đối lập mới đủ hai phần ba số phiếu cần thiết. Nhưng ngay trong nội bộ DPJ tình hình cũng đang rất rối ren. Trong tháng 2 vừa qua, 16 HNS thân cựu Chủ tịch DPJ I.Ô-da-oa đã xin rời khỏi nhóm nghị sĩ của DPJ ở QH để phản đối việc đảng này đình chỉ tư cách đảng viên của ông Ô-da-oa và 16 HNS này đã bỏ phiếu trắng đối với dự thảo ngân sách mới. Một đồng minh nữa của ông Ô-da-oa là HNS K.Mát-xư-ki đã từ chức Quốc vụ khanh Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp để phản đối cách điều hành DPJ và chính phủ của ông Can.
Tỷ lệ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Can hiện xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 20%, mặc dù ông Can đã cải tổ chính phủ trong tháng 1 vừa qua. Gần đây nhất, ông X.Ma-ê-ha-ra, một trụ cột trong DPJ và là ứng cử viên sáng giá thay thế Thủ tướng Can, đã phải từ chức Bộ trưởng Ngoại giao vì bê bối nhận tiền quyên góp chính trị. Các đảng đối lập cũng phát hiện một số nhân vật chủ chốt khác của DPJ như Bộ trưởng Tài chính Nô-đa, Bộ trưởng Cải cách hành chính Ren-hô cũng dính bê bối tài chính. Trong phiên họp của DPJ ngày 5-3 vừa qua, chính Thủ tướng Can phải thừa nhận rằng đảng này đang lâm vào tình thế khó khăn nhất kể từ khi thành lập.
Khả năng hợp tác giữa DPJ với các đảng đối lập để thông qua các dự luật liên quan ngân sách hiện rất thấp vì các bên đều giữ lập trường cứng rắn. Các đảng đối lập đòi DPJ hủy bỏ một số kế hoạch mà đảng này đưa ra khi tranh cử tháng 8-2009 như sáng kiến trợ cấp cho các gia đình có trẻ em dưới 15 tuổi; kêu gọi giảm ngân sách từ 92,4 nghìn tỷ yên xuống còn 89,3 nghìn tỷ yên. Thất bại trong việc thuyết phục các đảng đối lập hợp tác, Chính phủ của Thủ tướng Can đã không trình Hạ viện dự thảo ngân sách kèm các dự luật liên quan để bỏ phiếu cùng lúc như thông lệ, mà tách riêng dự thảo ngân sách để bỏ phiếu trước, nhằm đẩy mũi dùi chỉ trích của công chúng sang các đảng đối lập nếu QH không thông qua các dự luật liên quan. Vừa qua, tờ Asahi – nhật báo có số phát hành lớn nhất ở Nhật Bản, có bài xã luận kêu gọi DPJ và các đảng đối lập không nên quá cứng nhắc mà nên linh hoạt để hợp tác chính sách vì nguyện vọng và lợi ích của người dân. Theo báo này, thách thức lớn nhất đối với Nhật Bản hiện nay là dân số già hóa với tỷ lệ sinh thấp, số người trong độ tuổi lao động giảm, số người già cần trợ cấp tăng, khiến chi phí an sinh xã hội ngày càng lớn, tăng trưởng kinh tế giảm sút và nợ công ngày càng trầm trọng. Vì vậy, chính sách ưu tiên trẻ em của DPJ là hợp lý, nhưng diện được trợ cấp nên loại trừ các gia đình có thu nhập cao, và chính phủ nên tập trung hơn cho việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc trẻ em hơn là chỉ phát tiền cho các gia đình. DPJ cũng nên tiếp thu một số kiến nghị hợp lý của phe đối lập, như kế hoạch bỏ thu phí đường cao tốc chưa phải là ưu tiên hàng đầu, chính phủ có thể rút lại, nhờ đó giảm gánh nặng ngân sách. Nợ của Chính phủ Nhật Bản hiện lên tới khoảng gấp đôi GDP của nước này. Trong tháng 1 vừa qua, Công ty Standard & Poor chuyên đánh giá mức tín nhiệm về tài chính đã hạ điểm của Nhật Bản, là lần đầu nước này bị hạ điểm tín nhiệm kể từ năm 2002. Đó được coi là một lời khiển trách nặng của giới tài chính quốc tế đối với Chính phủ của ông Can.
Thủ tướng Can đang đứng trước sức ép ngày càng lớn phải từ chức hoặc giải tán Hạ viện để mở đường cho tổng tuyển cử trước thời hạn. Nghị sĩ K.Oa-ta-na-bê, người được coi là 'cố vấn cao nhất' của DPJ, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hạ viện và ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Can, cho rằng cần ưu tiên cho việc thông qua dự thảo ngân sách và các dự luật liên quan cao hơn DPJ, Thủ tướng Can và bất cứ ai khác. Ông này cùng một số nhà chính trị cao cấp khác của DPJ cũng bác bỏ khả năng giải tán Hạ viện vì cho rằng, chắc chắn DPJ sẽ bị đánh bại nếu tổ chức tổng tuyển cử vào thời điểm hiện nay.
Ý kiến ()