Thủ tướng Nhật Bản có bài phát biểu chính sách đầu tiên trước Quốc hội
Chiều 26/10, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có bài phát biểu chính sách đầu tiên trước Quốc hội kể từ khi nhậm chức, với chủ đề trọng tâm được nêu lên trong chương trình nghị sự là đại dịch COVID-19 và chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu trước Quốc hội, ngày 26/10. |
Thủ tướng Suga cho biết, cho dù số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản vẫn gia tăng từ cuối tháng 6/2020, song sự lây lan của virus lại đang có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, tình hình vẫn rất khó dự báo và Nhật Bản cần làm mọi điều để chặn đứng kịch bản bùng phát sự lây lan của COVID-19, góp phần bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân. Nhà lãnh đạo này khẳng định, trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ nối lại các hoạt động kinh tế, xã hội và chấn hưng nền kinh tế.
Ông Suga cho biết, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch nâng cao năng lực “thẩm định” để các hoạt động kinh tế toàn cầu có thể được nối lại một cách an toàn. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm cho phép Nhật Bản tiếp nhận khoảng 20.000 người (chủ yếu là giới doanh nhân và chuyên gia giáo dục) nhập cảnh mỗi ngày vào Nhật Bản từ cuối tháng tới.
Một nội dung quan trọng khác được ông Suga đề cập tới trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội đó là chính phủ do ông đứng đầu sẽ nỗ lực để bảo đảm đủ vaccine cho mọi công dân Nhật Bản vào nửa đầu năm tới. Hiện liên minh cầm quyền đang hy vọng Quốc hội sẽ thông qua một dự luật để bảo đảm nguồn cung vaccine chống COVID-19.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Thủ tướng Suga khẳng định quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon vào năm 2050. So với mục tiêu trước đây của Nhật Bản là cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, đây là mục tiêu đầy tham vọng của chính quyền Thủ tướng Suga. Nhà lãnh đạo này này cũng hy vọng Thế vận hội Olympics và Paralympics Tokyo sẽ được tổ chức an toàn vào năm tới.
Thủ tướng Suga khẳng định, quan hệ liên minh Mỹ – Nhật là một trụ cột trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Đây cũng được xem là “yếu tố chủ chốt” để hướng tới một khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Độ Dương tự do và rộng mở”. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ tìm kiếm cơ hội xây dựng các mối quan hệ ổn định và hợp tác với Trung Quốc.
Về quan hệ với Triều Tiên, Thủ tướng Suga khẳng định, ông luôn cởi mở trước khả năng gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, bồi thường thiệt hại trong chiến tranh và bình thường hóa quan hệ đôi bên.
Thủ tướng Suga đánh giá Hàn Quốc là một “láng giềng vô cùng quan trọng” của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng đề nghị Hàn Quốc từ bỏ những yêu sách liên quan tới bồi thường cho lao động bị cưỡng bức trong chiến tranh Triều Tiên để khôi phục mối quan hệ song phương “lành mạnh”.
Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản sẽ cố gắng phát triển quan hệ với Nga, trong đó có việc ký kết hiệp ước hòa bình với Moscow và giải quyết vấn đề tranh chấp tại khu vực mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, còn Nga gọi là quần đảo Nam Kuril.
Trong khuôn khổ phiên họp bất thường của Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiếp nhận và giải đáp những câu hỏi từ Thượng viện và Hạ viện trong các ngày từ 28 – 30/10. Giới phân tích dự báo, ngoài những vấn đề hóc búa liên quan tới đại dịch COVID-19, các thành viên đối lập sẽ “làm khó” ông Suga xung quanh một chủ đề gây tranh cãi, đó là việc tân Thủ tướng đã từ chối bổ nhiệm 6 học giả vào Hội đồng khoa học – một tổ chức học thuật hàng đầu của Nhật Bản./.
Ý kiến ()