Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quý báu của T.Na-ka-ô trong việc lãnh đạo ADB đạt được những thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời bày tỏ ủng hộ và mong muốn ông tiếp tục tái cử Chủ tịch ADB nhiệm kỳ 2016-2020.
Thủ tướng khẳng định, nhiều chương trình/dự án của ADB khắp cả nước đã phát huy hiệu quả to lớn. Việt Nam mong muốn thời gian tới, ADB tiếp tục tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô; giành các nguồn vốn ưu đãi để Việt Nam thực hiện mục tiêu cải cách kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Thủ tướng nêu rõ, cho biết, Việt Nam đang sử dụng rất hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của ADB trong phát triển kinh tế-xã hội, cũng như nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ chiến lược 2030 của ADB nhằm tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các vấn đề như nghèo đói, phát triển không đồng đều và biến đổi khí hậu và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân; coi trọng việc xây dựng và thực hiện Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB và Việt Nam. Thủ tướng cho biết, theo dự kiến, Việt Nam có thể tốt nghiệp ADF vào năm 2019, vì vậy Việt Nam mong muốn Chủ tịch T.Na-ka-ô sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan hỗ trợ cần thiết để Việt Nam tiếp tục nhận được nguồn vốn ưu đãi của ADB. Thủ tướng cũng đề nghị ADB cấp nguồn tài chính cho việc ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam; cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các dự án, chương trình ưu tiên khác…
Chủ tịch ADB T.Na-ka-ô bày tỏ bày tỏ ấn tượng việc Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đạt nhiều thành tựu kinh tế-xã hội trong quá trình Đổi mới, coi đây là bài học thành công, kinh nghiệm hay cho các quốc gia khác học tập. Ông khẳng định, ADB sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực các dự án hợp tác đối tác công-tư (PPP); phát triển cơ sở hạ tầng; xử lý nợ xấu; ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn; phát triển năng lượng tái tạo; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực…
* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Thái-lan Tha-na-sắc Pa-ti-ma-pra-con đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Thái-lan.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Phó Thủ tướng đúng dịp hai nước kỷ niệm 40 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, thể hiện sinh động sự phát triển hết sức tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái-lan. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn Thái-lan ổn định và phát triển, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược hai nước, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tập trung phối hợp: thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược 2014-2018; triển khai hiệu quả Thỏa thuận họp Nội các chung Việt Nam – Thái-lan lần thứ 3 (tháng 7-2015), trong đó chú trọng đẩy mạnh hợp tác chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng tăng cường sự tin cậy chiến lược giữa hai nước; đẩy mạnh Chương trình hành động về Thương mại-Đầu tư 2015-2020.
Thủ tướng nhấn mạnh, hai bên cần phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD/năm trước năm 2020; các nhà đầu tư Thái-lan tăng cường đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, nhất là các dự án năng lượng điện, dầu khí. Nâng cao hiệu quả đường dây nóng giữa hải quân hai nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền, chống cướp biển. Tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; khuyến khích việc giảng dạy tiếng Việt và tiếng Thái tại mỗi nước; bảo tồn, quảng bá và phát huy hình ảnh ảnh các Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái-lan.
Thủ tướng đề nghị, Chính phủ Thái-lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt học tập, sinh sống và làm ăn thuận lợi tại Thái-lan, hòa nhập, phát triển và là cầu nối cho quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác về lao động, xuất khẩu gạo. Thủ tướng cũng đề nghị, Thái-lan cùng Việt Nam và các nước ASEAN khác duy trì lập trường và tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông và các vấn đề chiến lược khác; hợp tác với Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm lợi ích của các nước ở hạ nguồn.
Qua Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời thăm hỏi tới Thủ tướng P.Chan-ô-cha.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Tha-na-sắc Pa-ti-ma-pra-con đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Thái-lan của Thủ tướng P.Chan-ô-cha tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng thời cho biết, Thái-lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác du lịch, văn hóa. Chính phủ Thái-lan luôn khuyến khích các doanh nghiệp Thái-lan đầu tư vào Việt Nam. Nhấn mạnh hai nước đều nằm ở hạ nguồn Mê Công, Phó Thủ tướng khẳng định, Thái-lan đã tích cực xúc tiến thỏa thuận với các nước ở thượng nguồn về việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công. Thái-lan cũng rất coi trọng và chăm lo các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái-lan; quan tâm cộng đồng Việt kiều tại Thái-lan. Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo, cao su…
* Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có buổi làm việc với Chủ tịch ADB T.Na-ka-ô.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị ADB tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi cho Việt Nam, nhất là hỗ trợ Chính phủ trong việc hỗ trợ vay, thời hạn vay cũng như lựa chọn các dự án hiệu quả, thu hồi nhanh để đầu tư.
Chủ tịch ADB T.Na-ka-ô cho biết, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tài trợ nguồn vốn cho các dự án/chương trình ở Việt Nam, đồng thời cung cấp tri thức, hỗ trợ kỹ thuật… cho Việt Nam trong thời gian tới.
Ý kiến ()