Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho biết, sáu tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 28.755 tỷ đồng, tăng 6,82%. Tổng thu ngân sách đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ hơn 43.400 tỷ đồng, tăng 10,5%…; công tác an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị được bảo đảm… Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương TP Cần Thơ trong chỉ đạo, điều hành với nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội như duy trì tốc độ tăng trưởng, sản xuất công nghiệp, làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, nằm trong tốp đầu các địa phương về cải cách, đổi mới… Tuy nhiên, TP Cần Thơ còn nhiều khó khăn trong phát triển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH); hạ tầng giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực còn hạn chế… Để kinh tế-xã hội TP Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng vị trí, vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng yêu cầu TP Cần Thơ tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện BĐKH gắn với xây dựng nông thôn mới; có giải pháp đột phá trong phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là các lĩnh vực thành phố có lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm để cạnh tranh toàn cầu trong quá trình hội nhập; chủ động, đột phá trong liên kết vùng để phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn. Là trung tâm khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ nên chủ động kết nối các thành phố trong nước và các nước trong khu vực để phát triển, tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị TP Cần Thơ phối hợp các bộ, ngành T.Ư làm tốt công tác quy hoạch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đô thị thích ứng BĐKH; tạo cơ chế thông thoáng để Cần Thơ bứt phá bằng các nguồn lực, tư duy năng động sáng tạo, quyết liệt trong phát triển, đó là đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp; là thành phố tiên phong về giáo dục, khởi nghiệp của vùng ĐBSCL… Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị, đề xuất của TP Cần Thơ.
★ Sáng cùng ngày, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm việc với Viện Lúa ĐBSCL.
Trong gần 40 năm qua, Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu và đưa vào sản xuất được 165 giống lúa. Nhiều giống lúa do Viện lai tạo có đặc tính nổi trội và đưa vào sản xuất đại trà. Trong 10 giống lúa trồng phổ biến ở ĐBSCL đã có tám giống do Viện lai tạo và được trồng trên gần 80% diện tích vùng. Các giống lúa OM đóng vai trò quan trọng, với diện tích gieo trồng lớn, có giống gieo trồng gần 1 triệu ha, dần thay thế các giống lúa kém chất lượng. Viện Lúa ĐBSCL xây dựng 11 quy trình kỹ thuật canh tác được công nhận ở cấp quốc gia và được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; tham gia đào tạo nhân lực trình độ từ sơ cấp đến tiến sĩ cho nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học ở vùng ĐBSCL.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những đóng góp của Viện Lúa ĐBSCL trong quá trình phát triển của vùng thời gian qua. Thủ tướng lưu ý, ĐBSCL đã và đang chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, do đó phải có giống lúa chịu mặn cao, kháng sâu bệnh để thích ứng tình trạng hạn, mặn, đồng thời nâng cao chất lượng hạt lúa cho tiêu dùng và xuất khẩu để có thể cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế. Vì vậy, Viện Lúa ĐBSCL chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương chọn tạo các giống lúa phù hợp để chuyển giao cho nông dân; nghiên cứu đất đai, khí hậu chuyển một số diện tích đang trồng lúa thay thế bằng cây trồng khác, nhưng đến khi cần có thể quay lại trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực; chuyển giao giống lúa gắn với chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào canh tác; đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tự chủ trước một bước để thu hút người tài. Ngành nông nghiệp tập trung cải cách ngành lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao để cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân; tiếp tục xây dựng Viện Lúa ĐBSCL lớn mạnh, toàn diện, tạo điều kiện để các nhà khoa học trẻ, giỏi về làm việc…
★ Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát dự án nâng cấp mở rộng đường giao thông trên địa bàn; thăm một số gia đình cán bộ lão thành cách mạng tại TP Cần Thơ.
★ Sáng cùng ngày, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn bác sĩ và sinh viên Trường đại học Mơ-xơ (Hoa Kỳ) đang thực hiện chương trình thiện nguyện thay chân giả và khám, chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân tại Việt Nam. Đoàn do Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Hà làm Trưởng đoàn, với hàng chục thành viên là bác sĩ người Mỹ và Việt kiều đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ, đặc biệt là những du học sinh của Việt Nam đang theo học tại Trường đại học Mơ-xơ.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những hoạt động thiện nguyện hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mà Đoàn đang thực hiện tại Việt Nam, qua đó góp phần xoa dịu nỗi đau về bệnh tật cũng như chia sẻ phần nào khó khăn cho bệnh nhân nghèo tại Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua đang phát triển hết sức tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo, trong đó có lĩnh vực y khoa. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Đoàn tiếp tục mở rộng chương trình khám, chữa bệnh, lắp chân giả miễn phí dành cho các bệnh nhân ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận nền y học tiên tiến, được điều trị miễn phí, góp phần tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.
Giáo sư, bác sĩ Võ Văn Hà cho biết, từ năm 2009 đến nay, Đoàn đã liên tục tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh và thay chân giả miễn phí cho các bệnh nhân tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam; đã khám chữa, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 40 nghìn người dân và lắp 5.000 chân giả cho các bệnh nhân chấn thương chỉnh hình, cơ xương khớp tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Đoàn tiếp tục kéo dài chương trình khám, chữa bệnh này không chỉ ở khu vực ĐBSCL mà còn mở rộng ra các tỉnh khu vực miền trung Việt Nam. Các thành viên trong Đoàn cho biết, sẵn sàng phối hợp các cơ quan của Việt Nam trong quá trình triển khai hoạt động y tế miễn phí nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
Ý kiến ()