Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Tây Nguyên phải có chiến lược để khôi phục lại vẻ đẹp đại ngàn của vùng đất đậm chất sử thi, luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy những giá trị vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Sáng 11/3, tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có: Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nam Bộ; đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5; đại diện UBND 05 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền các địa phương, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao chất lượng sản xuất nông – lâm nghiệp và đạt những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng đạt khá và tăng cao qua các năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực; từng bước đầu tư phát triển những ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và lợi thế của Tây Nguyên; hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, cải thiện đáng kể. Những vấn đề xã hội bức xúc được được tập trung kịp thời giải quyết hiệu quả… qua đó giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tạo nền tảng cơ bản, tiền đề và động lực cho sự phát triển bền vững cùa Tây Nguyên.
Theo Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tuy có những bước phát triển nêu trên, song Tây Nguyên hiện vẫn là một vùng khó khăn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; vẫn còn ở mức thấp so với các vùng trong cả nước. Nhiều tiềm năng thế mạnh chưa được đánh thức để những nhân tố này thực sự trở thành thế mạnh trong thu hút đầu tư cho sự phát triển của Tây Nguyên. Quy mô, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế các địa phương vùng Tây Nguyên còn bộc lộ nhiều hạn chế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có sự liên kết trong vùng một cách chặt chẽ, hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh chậm được cải thiện; thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế cả về số lượng, quy mô dự án và công nghệ; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư vào Tây Nguyên đạt 265,7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt 11,33%/năm; trong đó, vốn đầu tư vào khu vực nông – lâm – thuỷ sản tăng bình quân 14,89%/năm, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 2,39%/năm, khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm. Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so cùng kỳ, bằng 33,74% so với GRDP toàn vùng; riêng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 25,32%. Nhiều dự án lớn, quan trọng được khởi công, triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, ghi nhận những kết quả trên các mặt mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được, đặc biệt là sự khởi sắc, phát triển tốt về hạ tầng, đời sống người dân được nâng cao, an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo hơn. Theo Thủ tướng, đây là những điều đáng mừng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý những bất cập, tồn tại của Tây Nguyên hiện nay, trong đó có việc để mất rừng, mất nguồn nước, nhất là mực nước ngầm đang sụt dần, ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất, đời sống. Cùng với đó, quy mô và hiệu quả của vùng đất giàu tiềm năng chưa được khai thác đúng mức để phát triển cũng như nâng cao cuộc sống người dân.
Về cơ hội thu hút đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đã có ý kiến nhận xét rằng: “Tây Nguyên như một bữa tiệc đã tàn canh, không còn được môi trường hấp dẫn, không còn chỗ cho những nhà đầu tư mới đến”. Theo Thủ tướng, nhận xét đó chưa thể hiện được bức tranh đầy đủ, khách quan và toàn diện về tiềm năng, thế mạnh to lớn, độc đáo của Tây Nguyên do chưa được khai thác hiệu quả.
Thủ tướng nêu ra một tầm nhìn, một chiến lược bao quát cho sự phát triển của Tây Nguyên: Tây Nguyên phải phấn đấu để trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hoá. Các địa phương phải phát triển ngành chế biến nông – lâm nghiệp – dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản của thế giới. Đồng thời, Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của Châu Á.
Để hiện thực hoá yêu cầu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Tây Nguyên phải có chiến lược để khôi phục lại vẻ đẹp đại ngàn của vùng đất đậm chất sử thi, luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy những giá trị vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Đồng thời, phải quan tâm bảo vệ rừng, coi bảo vệ rừng là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là an ninh của vùng mà là an ninh của cả đất nước; phải trồng lại rừng, không phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp nữa mà phải tập trung tái canh, nâng cao năng suất thông qua tăng canh.
Tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hiện hoá, đại hoá nông nghiệp, nông thôn, trong đó phải nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp trên địa bàn; phải mạnh mẽ phát triển hạ tầng bằng việc xã hội hoá, tiến hành quy hoạch lại dân cư không để tình trạng manh mún như hiện nay. Chủ động liên kết vùng với Duyên hải Miền Trung, với miền Đông Nam bộ, với TP.HCM, với các vùng tiêu thụ sản phẩm gia tăng giá trị của Tây Nguyên, liên kết du lịch, liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Tây Nguyên phải có chính sách tín dụng để người dân đầu tư phát triển kinh tế, khuyến khích vay tín chấp đối với hộ nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư phát triển; phải coi phát triển bền vững là để ổn định an ninh lâu dài, phải phát triển bằng được kinh tế, quan tâm đến sinh kế và mức sống của người dân, đồng thời có thái độ đấu tranh kiên quyết với kê xấu lợi dụng phá hoại bình yên của đất nước, vận động nhân dân chống lại các tập tục, mê tín di đoan.
Đối với vấn đề thuỷ điện, Thủ tướng yêu cầu các địa phương Tây Nguyên rà soát chỉ đạo các thuỷ điện nơi nào không đảm bảo, ảnh hưởng xấu đếm môi trường phải điều chỉnh, khôi phục lại rừng, nơi nào chưa trồng rừng phải trồng bổ sung./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()