Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với ngành dệt may, da giày; T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam
Chiều 23-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may, da giày Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như đại dịch Covid-19.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư; Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), một số doanh nghiệp lớn trong ngành, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngành dệt may, da giày là một trong những ngành trực tiếp bị ảnh hưởng lớn trong bối cảnh hiện nay. Sau cuộc làm việc này, đối với những biện pháp trong quyền hạn, Pháp luật cho phép, Chính phủ sẽ ban hành ngay lập tức các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành phát triển.
Thủ tướng khẳng định vị thế, vai trò của ngành rất quan trọng vì giải quyết việc làm cho rất đông người lao động. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc làm cho người lao động. Ngành chúng ta cũng có vị thế quan trọng trong xuất khẩu sản phẩm. Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định RCEP, do đó ngành phải có giải pháp đón bắt thời cơ khi Việt Nam tham gia ba Hiệp định Thương mại tự do quan trọng là CPTPP, EVFTA và RCEP.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 25,6 tỷ USD, giảm 12% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục nhưng mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25% và các quốc gia cạnh tranh được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam giữ giá so với đồng USD khiến hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đắt hơn so với các quốc gia.
Dự báo năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5 tỷ đến 34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo vào tháng 4 chỉ đạt 30 tỷ đến 31 tỷ USD.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành dệt may, da giày đã sử dụng lượng lao động rất lớn kể cả trực tiếp và gián tiếp lên đến hơn 4,3 triệu người. Đây là thế mạnh của nước ta. Ngành cũng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khoảng 24%, góp phần phát triển công nghiệp nhẹ.
Thủ tướng ấn tượng thành công bước đầu quan trọng của ngành mà thế giới vẫn coi Việt Nam là một trong những “vương quốc dệt may”. Không chỉ năm nay mà cả năm sau, thậm chí ngành đặt mục tiêu năm 2022 cao hơn năm 2019, quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng. Đây là quyết tâm lớn của tập thể lãnh đạo, CBCNV toàn ngành.
Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng CBCNV ngành dệt may, da giày, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19, được thế giới hết sức ca ngợi Việt Nam có cách làm phù hợp. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với những phương thức phù hợp, là cách làm vận dụng sáng tạo với tình hình. Chúng ta áp dụng các đề phòng tốt nhất, nhưng vẫn giữ mức độ phát triển. Nhờ đó, toàn ngành vẫn bảo đảm việc làm cho người lao động.
Thủ tướng nêu rõ, ngành dệt may, da giày cũng đang hưởng lợi nhờ các Hiệp định FTA, cùng với đó thị trường trong nước được chú trọng hơn. Chất lượng, mẫu mã hàng dệt may, da giày ngày càng được nâng cao. Chính trị xã hội trong nước ổn định, là lợi thế của Việt Nam. Một điểm nữa là tinh thần đoàn kết, chia sẻ của ngành, giảm chi phí, giữ được quyền lợi của người lao động. Chúng ta có lợi thế là lao động Việt Nam trẻ khoẻ, nhanh nhẹn, yêu nghề, kỷ luật lao động.
Thủ tướng đánh giá cao việc lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn Vinatex, hiệp hội dệt may, da giày đoàn kết, năng động, sáng tạo, tìm việc làm cho người lao động. Tinh thần năng động, tự cường đó đáng được trân trọng. Điều đó thể hiện truyền thống vượt mọi khó khăn của dân tộc. Trong lúc đại dịch Covid-19, phẩm chất đó càng được thể hiện rõ hơn.
Thủ tướng đánh giá cao tập đoàn, hiệp hội kết nối các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế của ngành để nhận thức rõ và tìm cách khắc phục.
Thủ tướng đánh giá cao chất lượng sản phẩm dệt may, da giày. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành chú trọng thị trường trong nước, nhất là đồng phục công sở, học sinh. Chúng ta cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý sản xuất những sản phẩm chất lượng cao hơn. Chúng ta cần chú trọng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng của ngành, trong đó có vấn đề công nghiệp phụ trợ, quản trị, chiếm lĩnh thị trường để phát triển.
Thủ tướng đề nghị ngành lưu ý, tăng cường áp dụng kinh tế số, công nghệ số, tiếp cận ngành thời trang thế giới. Tận dụng hiệu quả hơn nữa các Hiệp định FTA, phát triển mở rộng ngành nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng. Chú trọng mô hình khu công nghiệp dệt may nhuộm, da giày. Tham khảo các mô hình khu công nghiệp dệt may nhuộm thành công của tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam.
Các địa phương cũng phải chú trọng để có các khu công nghiệp dệt may hiện đại, thân thiện môi trường. Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người lao động, áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn…
Một lần nữa, Thủ tướng biểu dương tinh thần chủ động sáng tạo của Tập đoàn Vinatex, hiệp hội dệt may, da giày, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên, đánh giá cao và tin tưởng công nhân, người lao động của ngành tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn, đóng góp xây dựng đất nước. Đây là cố gắng lớn cần phát huy.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam để chuẩn bị cho Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu trong toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Trung ương Hội khuyến học và các cấp Hội, mặc dù tuổi cao, chủ yếu là cán bộ hưu trí nhưng thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong xây dựng xã hội học tập ở nước ta, chủ động, sáng tạo, tận tụy, tâm huyết trong xây dựng và triển khai sâu rộng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập trên phạm vi cả nước.
Hội đã có nhiều hoạt động phong phú, đi vào chiều sâu, đây là biểu hiện cụ thể, thiết thực trong việc làm theo tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị kỹ việc tổng kết các mô hình học tập, đề xuất nhân rộng các mô hình tiêu biểu, đổi mới phương thức hoạt động của Hội trong giai đoạn mới để “không chỉ phát huy tinh thần học tập của lớp trẻ mà còn phát huy tinh thần ham học hỏi của người lớn, người cao tuổi” trước xu thế phát triển của thời đại, trước yêu cầu cấp bách trong xây dựng chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số ở nước ta. Cũng như phát huy tinh thần khởi nghiệp không chỉ của thanh niên, sinh viên, doanh nghiệp mới thành lập mà còn cả những doanh nghiệp lâu đời, những nhà kinh tế, nhà khoa học đã có nhiều thành tựu.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng một xã hội học tập sâu sắc, tương xứng truyền thống hiếu học của dân tộc ta, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, nhất là cấp ủy chính quyền các địa phương trong việc quan tâm phát huy tinh thần khuyến học, khuyến tài; đến hoạt động của Hội khuyến học các cấp.
Sau Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc phải tạo ra một khí thế mới, một phong trào học tập rộng khắp trong toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước trong giai đoạn mới.
Ý kiến ()