Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
Sáng 21-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT). Cùng dự, có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bộ KH-ĐT cần tăng cường kết nối với các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học để huy động trí tuệ toàn xã hội tham mưu cho Đảng, Chính phủ; kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực dự báo; rà soát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Xác định trọng tâm lĩnh vực tái cơ cấu; sớm trình Chính phủ kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công trung hạn nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH), gắn chặt với kế hoạch tài chính ngân sách theo định hướng tái cơ cấu kinh tế, trong đó, vốn ngân sách chỉ là “vốn mồi”, đặt trong tổng thể tái cơ cấu ngân sách; chú trọng huy động mọi nguồn lực xã hội. Đánh giá lại các dự án đầu tư theo hình thức BOT; tích cực huy động nhiều nguồn vốn theo hình thức đối tác công – tư (PPP) có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ KH-ĐT với tư cách là tham mưu trưởng lĩnh vực KTXH của Chính phủ, phải thực hiện tốt các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch mà Quốc hội giao. Lắng nghe ý kiến đóng góp của các bộ, ngành chức năng để điều hành chủ động, bình tĩnh, sắc sảo trong mọi tình huống, cân nhắc mọi khía cạnh, giữ vững sự ổn định và phát triển, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bộ KH-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao trên tinh thần tôn trọng quy luật phát triển kinh tế thị trường; khi phát hiện bất cập, phải đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ; những gì cản trở, vướng mắc, không phù hợp tiến trình cải cách, phải xóa bỏ ngay để môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Coi việc phát triển DN chính là tạo động lực phát triển KTXH.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ KH-ĐT phải là Bộ tham mưu trưởng về phát triển KTXH để việc điều hành được thông suốt, kịp thời, chống tư tưởng bao cấp, không “giật cục”, là đường dây nóng về kinh tế; đồng thời khẳng định, dư địa của chúng ta vẫn còn để thực hiện mục tiêu này. Do đó, Bộ phải quan tâm kiểm soát lạm phát; cùng với NHNN nghiên cứu mức lãi suất phù hợp tình hình; quan tâm vùng bị thiên tai; trong sạch, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng; đề xuất một số mô hình mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành khác, đổi mới công tác tham mưu, đưa ra những đề xuất hợp lý cho Chính phủ, trong đó đưa ra giải pháp tạo nguồn lực cho phát triển, coi trọng phát triển đầu tư tư nhân; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát và tiết kiệm trong đầu tư, nhất là đầu tư công; rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư công, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình y tế, giáo dục. Cùng với đó, cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ chi tiêu mua sắm công; tăng cường công khai minh bạch trong đấu thầu; đề xuất các biện pháp hàng rào thương mại phù hợp thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, thành phố lớn thẩm định lại tổng mức đầu tư các dự án trọng điểm có mức đầu tư từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên trên tinh thần tiết kiệm tối đa cho ngân sách; công khai các hình thức đấu giá các khu đất, nhất là trong nội thành, tuân thủ pháp luật, không để thất thoát tài sản quốc gia, chống tiêu cực, tham nhũng.
Bộ KH-ĐT cần đề ra hệ thống giải pháp tăng GDP, nhất là quý II và sau đó; đẩy mạnh xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Có giải pháp cụ thể ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát chặt chẽ, giảm bội chi; không để nước ngoài chi phối, thao túng hệ thống phân phối, bán lẻ trong nước. Phải hỗ trợ, khuyến khích DN Việt Nam trong bán lẻ. Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn DNNN để làm việc khác ích lợi hơn; tăng cường xây dựng nông thôn mới; phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho DN.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Bộ Tài chính. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; đại diện các bộ, ngành, cơ quan T.Ư, các chuyên gia.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những nỗ lực của toàn ngành tài chính thời gian qua, nhất là việc bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, nhu cầu chi ngân sách ngày càng cao, như chi cho an sinh xã hội. Nhấn mạnh tinh thần vượt khó đi lên, không được chùn bước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phải tìm mọi giải pháp bảo đảm mức tăng trưởng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, DN sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó phải giữ nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn.
Về thu ngân sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp quyết liệt chống thất thu, tiến tới là tất cả các hoạt động thanh toán đều phải có hóa đơn, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại khi hiện nay, nhiều giao dịch mua bán chưa thực hiện nghiêm quy định này. Ngành tài chính cần chấn chỉnh công tác xác định giá tính thuế hải quan; đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN, trong đó không để thất thoát trong việc xác định giá trị DN; những vị trí đất có giá trị phải được đấu giá công khai. Về chi ngân sách, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, đưa vấn đề này trở thành phong trào. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý giá, chống đầu cơ trục lợi, gây ra lạm phát tâm lý; phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, không để trục trặc trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()