Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam
Tối 21/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (2/10/1996 - 2/10/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam qua các thời kỳ đã tới dự Lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào mừng thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam, một hội quần chúng nhận được sự đồng tình của người dân khắp mọi miền Tổ quốc.
Thủ tướng nêu rõ, hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, ẩn sâu trong cốt cách của mỗi người dân nước Việt. Dù còn nghèo khó nhưng mọi gia đình vẫn luôn cố gắng hy sinh, chắt chiu để chăm lo, dành cho con em mình cơ hội và điều kiện được học tập, với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Đã có nhiều tấm gương hiếu học trong lịch sử dân tộc. Bác Hồ, vị lãnh tụ dân tộc kính yêu chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần hiếu học, tận tụy cống hiến cho dân tộc, cho đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong suốt 70 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, công tác giáo dục đã đạt nhiều tiến bộ. Ngày nay nước ta đã xây dựng xã hội học tập, thực hiện khuyến học khuyến tài để động viên mọi người dân học tập suốt đời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quỹ khuyến học khuyến tài hằng năm đã trao học bổng cho hàng triệu học sinh nghèo khó khăn, con em gia đình thương binh liệt sỹ, học sinh vùng sâu vùng xa; khen thưởng hàng vạn học sinh, sinh viên giỏi, hỗ trợ thầy cô giáo dạy giỏi, góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa giáo dục và công bằng xã hội về học tập. Thủ tướng cho rằng, giải thưởng Nhân tài Đất Việt hằng năm đã tôn vinh những người lao động giỏi trong nhiều lĩnh vực qua sản xuất tự học thành tài, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo nhiều sản phẩm, thiết bị, công trình có giá trị.
Thủ tướng cũng biểu dương Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp hội trong cả nước đã có nhiều thành tích khuyến học, khuyến tài, lan tỏa tích cực trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, làn sóng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước. Cùng với đó, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định chính trị, kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công sự nghiệp cao cả này nếu phát huy tốt nguồn nội lực, trí tuệ và con người Việt Nam.
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp chặt chẽ, tạo mọi thuận lợi cho Hội Khuyến học Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng, thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Các phong trào phải thực sự huy động sự tham gia của người dân, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của nhà trường, sự chung tay, góp công góp sức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là của các gia đình, các bậc phụ huynh.
Nối tiếp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, Thủ tướng cho rằng cần chung tay xây dựng xã hội học tập, khuyến khích hiền tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia, vững bước hội nhập trong kỷ nguyên công nghệ số, sáng tạo toàn cầu, thực hiện lời dạy của Bác đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: qua 20 năm hoạt động, Hội đã phát triển nhanh chóng về số lượng hội viên cũng như về tổ chức Hội. Từ 100.000 hội viên có mặt ở 21 tỉnh, thành phố, đến nay đội ngũ này đã có gần 15.000.000 người, sinh hoạt tại mọi địa bàn dân cư trong toàn quốc, tăng gần 150 lần số hội viên lúc ban đầu.
Hội đã phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc qua phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. Những mô hình hiếu học này là cơ sở để Chính phủ cho xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập như một thành tố cấu thành của mô hình xã hội học tập giai đoạn 2016 – 2020.
Cùng với đó, Hội đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng 11.038 Trung tâm học tập cộng đồng, một thiết chế giáo dục rất cơ bản dành cho đối tượng chính là người lớn, một điều kiện không thể thiếu được để người dân trong cộng đồng tìm được cơ hội học tập thường xuyên cho mình.
Bên cạnh đó, Quỹ Khuyến học của các cấp Hội đã phát triển nhanh, nhất là từ năm 2011 đến năm 2015. Nếu như năm 2000, Hội coi tổng số tiền vận động được cho các Quỹ Hội ở địa phương đạt con số 1.000 tỷ đồng như một sự kiện đặc biệt thì đến nay, theo thống kê cuối năm 2015, tổng số tiền quỹ đã tăng gấp đôi so với năm 2000 (hơn 2.118 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định, trong 20 năm xây dựng và phát triển của mình, Hội Khuyến học Việt Nam luôn luôn được sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Hiếm có một tổ chức xã hội non trẻ nào như Hội có được nhiều các Nghị quyết, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của các cấp ủy và chính quyền các cấp. Sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đã giúp cho Hội mau chóng phát triển và trưởng thành, từng bước đi lên chắc chắn, ngày càng đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng giáo dục, xây dựng xã hội học tập.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, sau 20 năm hoạt động, Hội sẽ chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng những mô hình học tập từ cơ sở để góp phần từng bước đưa xã hội ta hòa nhập xã hội thông tin trên thế giới, chuyển nhanh nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và chuẩn bị điều kiện đi vào kinh tế tri thức./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()