Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai mạc CAEXPO và CABIS lần thứ 13
Sáng 11-9, trong khuôn khổ tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 với tư cách là “Quốc gia danh dự”, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Nam Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ và lãnh đạo các nước ASEAN dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị cấp cao Thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 13.
Phát biểu ý kiến tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những ưu thế và tiềm năng hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, khẳng định quan hệ đối thoại, hợp tác ASEAN – Trung Quốc sau 25 năm hình thành và phát triển nay đã đạt nhiều thành tựu quan trọng; các kỳ Hội chợ Trung Quốc – ASEAN và Hội nghị cấp cao Thương mại và đầu tư Trung Quốc – ASEAN đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc không ngừng phát triển đi vào chiều sâu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam coi trọng và luôn tích cực tham gia các kỳ Hội chợ; nhấn mạnh, năm nay, lần đầu đảm nhiệm vai trò là “Quốc gia danh dự” của Hội chợ, Việt Nam đã có hơn 250 gian hàng tham dự triển lãm, tăng 35% so với năm 2015 và tiếp tục là nước có nhiều gian hàng nhất trong số các nước ASEAN.
Thủ tướng cũng giới thiệu về tiềm năng và những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam theo Chiến lược phát triển bền vững trong 5 năm tới, giai đoạn 2016 – 2020 cũng như những quyết tâm của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Thủ tướng chỉ rõ, đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán bốn Hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc; Việt Nam có quan hệ kinh tế – thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tương lai không xa, quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam với 55 đối tác sẽ được xác lập, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20, theo đó, khi các doanh nghiệp tham gia hợp tác với Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận thị trường có quy mô chiếm hai phần ba dân số và ba phần tư GDP toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ hợp tác ASEAN – Trung Quốc; sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, cùng các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực, giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết khác biệt vì lợi ích của các bên để bảo đảm các hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại được triển khai thông suốt, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.
Phát biểu ý kiến tại Lễ khai mạc, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ điểm lại các chính sách, hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trong thời gian qua; nhấn mạnh Trung Quốc coi trọng cao độ hợp tác với ASEAN, đồng thời đề xuất những chính sách, định hướng hợp tác trong thời gian tới, trong đó nêu đậm việc tăng cường tin cậy chính trị để tạo cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác chung, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế – thương mại, năng lực sản xuất, kết nối nguồn lực, giao lưu nhân dân.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ đồng chủ trì lễ khai trương Gian hàng quốc gia Việt Nam với chủ đề “Thành phố đẹp”. Đây là một trong những hoạt động chính theo thông lệ của hội chợ đối với “Quốc gia danh dự”.
Năm nay, Gian hàng quốc gia với chủ đề “Thành phố đẹp” của Việt Nam giới thiệu thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc, mang thông điệp: “Buôn Ma Thuột – Thủ phủ của cà-phê châu Á”.
* Chiều 11-9, tại Đại lễ đường nhân dân tỉnh Quảng Tây, TP Nam Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đối thoại bàn tròn với Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc. Tham dự và trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi đối thoại, có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa và lãnh đạo một số bộ, ngành trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và đại diện chính quyền tỉnh Quảng Tây.
Tại cuộc đối thoại, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Tây khẳng định, Quảng Tây đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; coi Việt Nam là địa bàn quan trọng để xúc tiến các chương trình hợp tác đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác kỹ thuật, tài chính, tiền tệ, hợp tác biên mậu, du lịch, giáo dục, thể dục thể thao, với phương châm đôi bên cùng có lợi.
Phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc có tình hữu nghị gắn bó mật thiết, “núi sông liền một dải, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”, quan hệ hợp tác trên tinh thần 16 chữ; đồng thời cho rằng, sự có mặt của đông đảo các CEO Trung Quốc là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng nêu khái quát tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam, những tiềm năng, cơ hội mà các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, có thể tận dụng để phát triển đầu tư, kinh doanh. Thủ tướng nêu rõ, từ một nước nghèo đói sau chiến tranh, đến nay, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay có 21.000 dự án đầu tư của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 1.500 dự án, tổng số vốn 11 tỷ USD, đứng thứ chín trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong việc kiên định thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch cho mọi doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cấp chính quyền ở Việt Nam đều trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài phản ánh để cùng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng thông báo, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng ba bậc, đứng thứ năm trong số 10 nước ASEAN và phấn đấu trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào tốp ASEAN-4. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, nhân dân Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư hợp tác sản xuất, kinh doanh vào Việt Nam có quy trình, công nghệ hiện đại; tuân thủ pháp luật; bảo vệ môi trường và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp Trung Quốc về những vấn đề liên quan các lĩnh vực như thủ tục đầu tư; các ưu đãi của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp Trung Quốc khi triển khai kế hoạch hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam.
* Chiều 11-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Khu học xá Trung ương (còn gọi là Trường Dục Tài Nam Ninh, Quảng Tây), một bằng chứng lịch sử cho mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Khu học xá Trung ương được thành lập năm 1951. Học sinh Trường Dục Tài khi đó là các cán bộ, thanh niên từ khắp nơi trong nước gửi sang, do Việt Nam trực tiếp quản lý và đào tạo, phía Trung Quốc giúp đỡ về cố vấn và công tác hậu cần. Trường Dục Tài đã đào tạo khoảng 7.000 cán bộ, giáo viên và học sinh, trong đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, cán bộ ngoại giao, nhà kinh tế, nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn có tên tuổi của Việt Nam. Khu học xá Trung ương cũng chính là mái trường thân yêu đã đào tạo hàng nghìn giáo viên, học viên có trình độ cao để trở về phục vụ Tổ quốc. Tháng 11-1963, để tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, giáo viên Trường Dục Tài Nam Ninh trong thời kỳ trước đây, Chính phủ Việt Nam quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động cho những cán bộ, giáo viên Hán ngữ tiêu biểu của trường.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Khu Nông nghiệp công nghệ cao Bát Quế Điền Viên, một mô hình nông nghiệp hiệu quả cao tại Quảng Tây. Khu nông nghiệp này do Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây sáng lập vào tháng 3-1999, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và quảng bá nông nghiệp công nghệ cao hiện đại và lớn nhất thành phố Nam Ninh. Sau gần 20 năm phát triển, đến nay Khu Nông nghiệp công nghệ cao Bát Quế Điền Viên đã trở thành địa điểm tham quan du lịch sinh thái nổi tiếng, là cơ sở trồng thí điểm các loại cây nông nghiệp, cây hữu cơ điển hình của cả nước Trung Quốc với đặc trưng nổi bật phong phú về giống, đầu tư ít, chất lượng tốt, sản lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn và mang đặc trưng của vùng. Đây còn là cơ sở phổ cập kiến nghiệp cho học sinh, sinh viên của Quảng Tây. Đến nay, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Bát Quế Điền Viên còn là cửa ngõ quốc tế giới thiệu mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện đại của Trung Quốc.
* Trong chương trình chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Trung Quốc, chiều 11-9, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiếp đồng chí Vu Xuân Sinh, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.
Tại buổi tiếp, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao hoạt động trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây trong thời gian qua, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Đồng chí nhấn mạnh, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng và ủng hộ cơ quan kiểm tra Đảng các địa phương hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác, thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn với nhiều hình thức linh hoạt, qua đó tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi bên trong lĩnh vực xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây Vu Xuân Sinh cảm ơn ý kiến của đồng chí Trần Quốc Vượng và khẳng định, các ban Đảng của Quảng Tây mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các địa phương Việt Nam, nhất là trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, quản lý cán bộ, phòng, chống tham nhũng, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()